Cần quan tâm nhân rộng mô hình“4+1” về phòng, chống ma túy

21/06/2018 | 09:48 GMT+7

Toàn tỉnh hiện nay có nhiều mô hình phòng, chống ma túy “4+1” ở phường Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy), thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành); xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp), xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A).

Ban chủ nhiệm mô hình “4+1” ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tổ chức trao đổi công việc.

Thành lập hơn 1 năm nay, Ban chủ nhiệm các mô hình trên luôn quan tâm rà soát, lựa chọn người nghiện ma túy, người nghi nghiện ma túy để kèm cặp.

Cụ thể là tham mưu UBND cấp xã ban hành quyết định giao một người nghiện hoặc nghi nghiện ma túy cho một tổ gồm: Gia đình người nghiện + bạn bè, hàng xóm + tổ tự quản, bảo vệ dân phố + ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể để quản lý, giáo dục, giúp đỡ.

Hoạt động chính là 4 người được phân công giúp đỡ 1 người nghiện hoặc nghi nghiện ma túy sẽ bàn bạc thống nhất thời gian, địa điểm, biện pháp cụ thể để tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc với người được giao quản lý 1 tuần ít nhất 1 lần; thường xuyên theo dõi, nắm chặt hoạt động (ở đâu, làm gì,…), diễn biến tâm lý, tình cảm,… của người nghiện, nghi nghiện; có sổ sách theo dõi sự tiến bộ của họ.

Đồng thời, thông qua gặp gỡ trực tiếp để giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Thực hiện cùng với gia đình, tổ chức đoàn thể, người có uy tín, bạn bè tác động, giáo dục nhận thức của họ. Và cũng tiến hành hỗ trợ người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện, học văn hóa, tham gia các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; hướng dẫn, hỗ trợ người nghiện được vay vốn để ổn định cuộc sống và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Trong 1 năm thực hiện mô hình, tổng số người nghiện, nghi nghiện ma túy được đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ là 31, trong đó có 24 người nghiện và 7 người nghi nghiện; đã hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh cho 6 người nghiện ma túy với tổng số tiền 170 triệu đồng và giới thiệu việc làm cho 5 người nghiện ma túy; mở 10 cuộc tuyên truyền cảm hóa, giáo dục về pháp luật phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy với 267 lượt người tham dự…

Tính đến ngày 1-4-2018, có 12 người nghiện từ bỏ chất ma túy, đạt 38,7% tổng số người nghiện và nghi nghiện được đưa vào diện cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ; hiện còn 19 người nghiện và nghi nghiện có biểu hiện sử dụng hoặc liên quan đến ma túy đang được tiếp tục cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ trên địa bàn…

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, nhất là công tác củng cố, kiện toàn, nâng chất và nhân rộng mô hình “4+1”. Đồng thời, lồng ghép với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Sở, ngành liên quan cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho cán bộ, nhân viên tiếp cận cộng đồng nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người nghi nghiện ma túy và người có quá khứ lầm lỗi liên quan đến ma túy.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người nghi nghiện ma túy và người có quá khứ lầm lỗi có liên quan đến ma túy trên địa bàn; đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy đảm bảo phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng tiếp nhận thông tin, trong đó chú trọng nâng cao ý thức không phân biệt đối xử với người nghiện, người nghi nghiện và người có quá khứ lầm lỗi liên quan đến ma túy ở khu dân cư.

Đặc biệt, công an các huyện, thị xã, thành phố phải đẩy mạnh hơn nữa thực hiện công tác phòng, chống ma túy; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết mô hình “4+1” để đánh giá tình hình, kết quả, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động thời gian tới.

ĐÔNG XUÂN - K.L

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>