Xây dựng cảnh quan môi trường đồng bộ

26/04/2018 | 10:55 GMT+7

Ở huyện Châu Thành, trong quá trình xây dựng và nâng chất các danh hiệu văn hóa, ý thức và sự đồng lòng, đồng thuận của người dân là điều kiện tiên quyết để phong trào thành công.

Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Phú An đang được xây dựng.

Đến thời điểm này, xã Phú An cơ bản đạt các tiêu chuẩn của xã văn hóa nông thôn mới. Ông Nguyễn Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết: “Phú An đã hoàn tất cả tiêu chí của xã văn hóa nông thôn mới, dự kiến sẽ được công nhận vào tháng 9 tới. Qua quá trình xây dựng, nâng chất từ xã văn hóa, đã có sự thay đổi từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân trên 37 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn hơn 3%. Hệ thống thiết chế văn hóa cũng đang được xây dựng, gồm Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng với tổng mức đầu tư 5,5 tỉ đồng, xây mới và sửa chữa 5 nhà văn hóa ấp với kinh phí 3 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền người dân làm cảnh quan môi trường, tạo điểm nhấn từ đây đến ngày được công nhận danh hiệu”.

Việc tuyên truyền, vận động, nêu gương là những cách mà địa phương thực hiện để từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, để họ cùng thực hiện, cùng đóng góp làm nên thành quả chung cho phong trào. Bà Nguyễn Thị Tím, ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An, chia sẻ, bà luôn ý thức xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình mình, bản thân sống gương mẫu, rồi dạy con cháu ngoan ngoãn, lễ phép. Bà còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khốn khó. Còn không gian sống, bà trồng thêm mấy cây kiểng, làm hàng rào bằng cây xanh rồi cắt tỉa gọn gàng… Giống như bà Tím, ở đây người dân ngày càng ý thức, làm cho cảnh quan ở địa phương từng bước thay đổi. Cùng với đó, sự quan tâm của địa phương đã tạo điều kiện cho việc phát động nâng chất những thiết chế trong dân ngày một hiệu quả…

Không chỉ Phú An, việc tập trung tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất của người dân đã và đang được các địa phương khác chú trọng, bằng việc tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, có việc làm hay vay vốn, để phát triển sản xuất, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng. Ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo, nhiều mô hình cho thu nhập từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm xuất hiện, như mô hình trồng mai vàng, chanh không hạt, mít Thái, xoài Đài Loan…

Huyện Châu Thành còn nổi tiếng với trên 10.000ha vườn cây ăn trái cho sản lượng 110.000 tấn trái các loại như: bưởi, cam sành, ổi, mít; nhiều mô hình thủy sản hiệu quả như nuôi lươn, cá chạch… Toàn huyện có 19.930 hộ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 96%; 56 ấp văn hóa, chiếm tỷ lệ 86%; 3 xã văn hóa nông thôn mới là Đông Thạnh, Đông Phú và Đông Phước... Địa phương sẽ tập trung xây dựng thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm, đạt chuẩn văn minh đô thị tới đây.

Dù vậy, trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từng lúc, từng nơi ở Châu Thành vẫn chưa đều, chưa sâu. Cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp có phát động nhưng ít tổ chức thi từng cấp như các địa phương khác, nên chưa nâng cao ý thức người dân, tạo thành phong trào sâu rộng. Việc xây dựng mô hình tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu chưa được phát động rộng khắp. Trong khi những mô hình này đều góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận, đồng lòng của người dân.

Thực tế đã cho thấy, để chất lượng đi vào chiều sâu thật sự, bên cạnh sự đầu tư về vật chất, rất cần có sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng mô hình mới, phát động phong trào xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, để người dân hiểu và cùng làm với địa phương, tạo thành phong trào lan rộng, bền vững.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>