Vị bác sĩ về hưu cần mẫn giúp đời, xây dựng gia đình văn hóa

03/06/2020 | 04:18 GMT+7

Nhắc đến ông Huỳnh Thành Chiến, không chỉ ngành y tế tỉnh đều quen thuộc, vị bác sĩ già đã dành gần cả đời để cống hiến cho ngành y, mà ngành văn hóa cũng quen mặt vì những đóng góp của ông.

Ông đã giáo dục con bằng sự cần mẫn, hết lòng với công việc, với gia đình từ chính cuộc đời mình.

Góp sức giúp đời

Ông quê gốc ở Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. 19 tuổi, đã theo cách mạng, được đào tạo ngành y. Sau giải phóng, từng kinh qua nhiều chức vụ, từ Phó Giám đốc Bệnh viện khu vực Vị Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, rồi Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh…

Gần 10 năm nay, ông làm đầu tàu Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi, Bệnh nhân nghèo tỉnh, tận dụng mọi cơ hội để hỗ trợ kịp thời, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn cần mẫn ngày 2 buổi đi làm nhiệm vụ. Ông cười tươi: “Lớn tuổi, làm được việc gì để giúp người, giúp đời là tôi vui rồi. Đi làm, được gặp gỡ nhiều người, được mang lại niềm vui cho người khác làm tôi thấy mình còn có ích”…

Nhìn lại cuộc đời mình, ông nghiệm ra một điều là gian khổ mấy cũng vượt qua, vì đã có hậu phương vững chắc, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để ông dành hết tâm sức cho công việc. Hậu phương của ông chính là người vợ cần mẫn, sẵn sàng lùi lại phía sau để chăm chút gia đình, nuôi dạy hai con để ông yên tâm công tác. Bà Thái Thị Hồng Ánh, vợ ông cũng là dân y, nhưng vì gia đình, chấp nhận ở nhà chu toàn mọi việc.

Ý thức được sự nhọc nhằn, hy sinh của ông bà nên các con ông ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Giờ cũng đã xây dựng những gia đình nhỏ hạnh phúc.

Xây dựng gia đình đầm ấm, là chốn về bình yên

Với ông, gia đình chính là chốn về bình yên sau những giờ mệt nhoài ngoài cuộc sống. Từ đó, mỗi một thành viên trong gia đình cần phải góp công, góp sức để xây dựng, giữ gìn, để mái ấm ấy luôn rộn tiếng cười. Ông luôn sống có trách nhiệm, hết lòng yêu thương và chăm sóc cho gia đình của mình.

Vợ chồng không tránh những lúc giận hờn, nhưng ông bà thống nhất với nhau là tranh luận khi không có mặt con. Lúc người này nóng thì người kia im lặng, để sau đó nhẹ nhàng nói với nhau để nhìn thấy cái đúng, cái sai mà khắc phục. Việc dạy con cũng vậy, ông nghiêm khắc còn bà mềm mỏng, nhẹ nhàng khuyên bảo.

Cùng với đó, ông bà luôn sống mẫu mực, làm gương bằng chính nhân cách của mình để giáo dục con. Bà Hồng Ánh chia sẻ: “Chấp nhận lùi về để lo cho chồng con, niềm vui của ông là được thấy họ thành công. Giờ các con đã trưởng thành, tôi còn khỏe nên tiếp tục giúp con trông cháu để chúng nó đi làm. Trăm việc không tên, cực nhưng vui. Về nhà mọi người cùng ăn uống vui tươi bên mâm cơm, là bao mệt nhọc tan hết”.

Xây dựng và giữ vững gia đình hạnh phúc là cả một hành trình không ít khó khăn và thử thách. Ông bà đã vượt bằng trách nhiệm, sự yêu thương, san sẻ, bằng sự gương mẫu trong lối sống, cách ứng xử để nêu gương cho con cháu. Ông nói được chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu, ông rất vui và hãnh diện. Nhưng kèm theo đó là nỗi lo, phải làm sao để giữ vững và nâng chất, để mái ấm luôn rộn tiếng cười, luôn là chốn bình yên để con cháu tìm về sau một ngày làm việc, học tập. Muốn có được điều này, đòi hỏi mỗi người phải góp sức, cùng gầy dựng.

Ông sẽ tiếp tục trân trọng những thành quả đã đạt được, xứng đáng với danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>