Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên: Cần kinh phí để Đề án phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử thực hiện hiệu quả

25/04/2017 | 08:08 GMT+7

Nhân dịp về giảng dạy lớp bồi dưỡng nghệ thuật đờn, ca tài tử tỉnh Hậu Giang, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (ảnh), nguyên giảng viên Khoa Sau đại học, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi xoay quanh nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), cách bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Thưa tiến sĩ, cơ duyên nào đưa bà đến với văn hóa dân gian, đặc biệt là ĐCTT ?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Cai Lậy, Tiền Giang, may mắn có cha là nghệ nhân Ba Thế, nên mang sẵn trong mình dòng máu đam mê. Hồi còn rất nhỏ, đã tập tành hát bài lưu thủy hành vân, lý giao duyên. Rồi những lần theo cha đi đàn, nghe hát, đã in sâu trong tiềm thức và dần hình thành trong tôi tình yêu nghệ thuật tài tử sâu đậm. Chính cha tôi đã cho tôi vốn hiểu biết và lòng đam mê nhạc tài tử, cải lương. Dù không nối nghiệp, nhưng tôi đã làm công việc mà mình hài lòng là nghiên cứu về văn hóa dân gian, đặc biệt là ĐCTT.

Tiến sĩ đã có quá trình nghiên cứu nhiều về nghệ thuật ĐCTT, vậy bà có cảm nhận gì về sức sống của loại hình nghệ thuật độc đáo này ở ĐBSCL ?

- Tôi hết sức bất ngờ với sức sống mãnh liệt này, dù nghiên cứu và có vốn liếng kiến thức khá dày về nó. Các tỉnh, thành trong khu vực vẫn duy trì được hoạt động của hệ thống các câu lạc bộ, lực lượng nghệ nhân đông đảo, có kế thừa. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ĐCTT có điều kiện để phát huy sức mạnh của mình. Cùng với đó, Đề án phát huy nghệ thuật ĐCTT được các tỉnh, thành xây dựng, giúp việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này tiến thêm một bậc.

Nhìn qua, thấy phong trào phát triển rầm rộ, nhưng đi vào thực chất, chất lượng sinh hoạt của các CLB vẫn chưa đồng đều, tiến sĩ có thấy điều này ?

- Các nghệ nhân ĐCTT rất tài tử, họ đến với nhau vì tình yêu nghệ thuật không tính thiệt so hơn. Có điều một thực tế là không phải ai biết ca, biết đờn đều có thể truyền nghề. Vì trình độ không đồng đều và đôi khi cách truyền đạt không chuẩn, khó hiểu nên việc tiếp thu cũng chưa thật tròn vẹn. Cũng có CLB có người ca nhưng không có người đờn, phải thuê; đa phần họ phải tự bỏ tiền hùn với nhau cho những cuộc chơi… Vì thế, chất lượng không đồng đều là chuyện đương nhiên. Thế nên mới có những lớp truyền nghề như ở Hậu Giang mà tôi đang thực hiện như thế này, để các nghệ nhân hiểu đúng, hiểu sâu về ĐCTT, giúp truyền nghề bài bản hơn, chất lượng hơn.

Tiến sĩ có điều gì trăn trở với môn nghệ thuật đặc trưng này ?

- Thật sự nói về vấn đề này, vài tiếng đồng hồ khó thể nói hết. Những nơi thật sự quan tâm, có đầu tư, có lộ trình, có kinh phí thực hiện, thì hiệu quả sẽ thấy ngay. Tôi lấy ví dụ ở Bến Tre, khi phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, kinh phí cũng chưa phải là nhiều, nhưng vẫn có để đơn vị thực hiện sắp xếp lộ trình thực hiện một cách hiệu quả. Tôi thấy trong 21 tỉnh, thành phía Nam, chỉ có khoảng 50% là phê duyệt đề án có kèm kinh phí, còn lại cũng phê duyệt, nhưng làm tới đâu xin tiền đến đó. Như vậy là không bài bản, khó phát huy một cách hiệu quả…

Một chuyện nữa là phải tạo được một lớp công chúng yêu tài tử, sao không ai nghĩ cần phải đưa môn học về nghệ thuật này vào nhà trường. Từ cấp tiểu học các em đã có thể làm quen với nhạc cụ, tập đờn và ca những nhạc cụ đơn giản, bài dễ, ngắn. Mình có thừa nghệ nhân để làm điều này mà !

Vậy tiến sĩ có lời khuyên gì  để phong trào ĐCTT ở Hậu Giang tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả ?

- Hậu Giang cũng có những thuận lợi và khó khăn gần giống các tỉnh, thành trong khu vực. Một điều đáng tự hào là nơi đây vẫn duy trì sinh hoạt ở các CLB ĐCTT, dù những nghệ nhân vẫn phải tự thân vận động là chính, khi sự quan tâm của các ngành, các cấp chưa đủ để làm cho phong trào phát triển hơn. Tuy nhiên, lực lượng nghệ nhân ở đây nhiều, những người làm văn hóa có nhiều tâm huyết và được lãnh đạo quan tâm, từng bước đầu tư. Đây là một tín hiệu mừng, đáng trân trọng, rất cần được duy trì, phát huy, để cùng các tỉnh, thành khác trong khu vực đưa ĐCTT phát triển lên một bước mới, tiếp tục đi sâu vào trong đời sống cộng đồng…

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng nhóm nghiên cứu hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian: Lễ giỗ các họ người Việt ở Tiền Giang, Hò cấy Gò Công, Nghệ thuật đờn ca tài tử… Luận án thạc sĩ, tiến sĩ của bà cũng là những đề tài văn hóa dân gian: “Đờn ca tài tử Tiền Giang”, “Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa của dân cư miền Tây Nam bộ”. Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn dành thời gian đi sưu tầm, nghiên cứu, truyền nghề tại các trường văn hóa nghệ thuật trong và ngoài khu vực ĐBSCL.

 

Xin cảm ơn tiến sĩ !

VĨNH TRÀ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>