Phát huy văn hóa đọc

20/08/2018 | 08:40 GMT+7

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 284 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, văn hóa đọc đã có nhiều khởi sắc...

Triển lãm sách góp phần nâng cao văn hóa đọc.

Nhiều hoạt động

Nhắc đến văn hóa đọc ở Hậu Giang, chủ yếu là đề cập phong trào đọc sách, sáng tác, quảng bá sách, hướng đến xây dựng xã hội học tập, tạo nên nét đẹp trong đời sống xã hội và khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày sách Việt Nam được tổ chức hàng năm thành một chuỗi hoạt động, với quy mô lớn, đã làm phong phú, tạo nhiều điều kiện cho người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên có điều kiện tìm hiểu về những quyển sách hay, cùng tạo một phong trào đọc sách rộng khắp.

Không chỉ tỉnh tổ chức, các đơn vị như ngành công an, quân sự, đặc biệt là Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang đã tổ chức Ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động phong phú. Thư viện tỉnh - đơn vị đầu tàu và là nơi lưu giữ nhiều sách nhất, cũng tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức Cuộc thi viết Quyển sách tôi yêu, hàng năm đến tận các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn để trao những phần quà cho những học sinh là độc giả thường xuyên của thư viện.

Phục vụ đa dạng

Bà Võ Thị Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Không phải từ khi có Ngày sách Việt Nam chúng tôi mới tổ chức nhiều hoạt động, mà chúng tôi luôn có nhiều cách để thu hút bạn đọc. Chúng tôi còn liên kết Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang mở thư viện cơ sở 2 tại trường, vừa có nơi để giữ sách, vừa tạo không gian đọc cho các bạn sinh viên. Chúng tôi còn có website với nhiều tiện ích. Bạn đọc có thể làm thẻ tại nhà, xem giới thiệu những quyển sách hay và đọc những sách mình thích”…

Thư viện tỉnh còn xây dựng “Góc sách sân trường” tại Trường THCS Châu Văn Liêm (thành phố Vị Thanh); tổ chức nhiều triển lãm sách lưu động thường xuyên để vừa phục vụ bạn đọc, vừa xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, để góp phần phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh còn tập trung xây dựng, nâng chất mạng lưới thư viện ở cơ sở, tạo điều kiện để các phòng đọc sách xã, phường, thị trấn nâng cấp lên thư viện. Từ đó, Thư viện tỉnh chỉ đạo trong hệ thống ngành mỗi năm đầu tư sách mới, đối với cấp xã là 80 quyển, cấp huyện là 200 quyển.

Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có từ 1 đến 2 phòng đọc sách được nâng cấp lên thư viện. Hậu Giang có 70/76 thư viện cấp xã, từ đây đến cuối năm sẽ có thêm 2 phòng đọc sách được nâng cấp lên thư viện. Đây sẽ là điều kiện để người dân ở địa phương hưởng thụ văn hóa đọc.

Sắp tới, Thư viện tỉnh có tên trong danh sách 30 tỉnh, thành trong cả nước được Tập toàn Vingroup, Quỹ Force và Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L tài trợ xe thư viện lưu động đa phương tiện, có sức chứa 4.000 quyển sách, máy tính, sách nói và cả thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và các thiết bị phục vụ người khiếm thính. Với phương châm “Xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ”, sẽ tiếp thêm điều kiện để thư viện phục vụ người dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển văn hóa đọc cộng đồng.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>