Nơi giúp người mù xóa bỏ mặc cảm

18/10/2018 | 09:43 GMT+7

Không chỉ là nơi giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống Nam bộ, các câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử dành cho người mù ra đời, còn giúp cho nhiều thành viên quên đi mặc cảm, tự ti và sống hòa nhập hơn với cộng đồng.

Những CLB đờn ca tài tử dành cho người mù luôn là sân chơi lành mạnh giúp người mù quên đi mặc cảm.

Đam mê ca hát từ nhỏ, nhưng trước giờ anh Nguyễn Văn Bon, ở thị xã Long Mỹ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đứng trên sân khấu để trình bày những bài hát mà mình tâm đắc nhất, bởi trong anh còn quá nhiều mặc cảm. Anh Bon tâm sự: “Người ta thấy đường, đi đứng thuận tiện hát dù không hay, nhưng nhiều người có khi vẫn chấp nhận được, còn mình mù đường đi còn không thấy, lại đi ca hát sợ người ta không đón nhận. Cũng vì vậy, nên trước giờ tôi rất ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ muốn ở nhà thôi. Thấy tôi cũng yêu thích văn nghệ, vừa rồi khi thành lập CLB đờn ca tài tử dành cho hội viên người mù, bên hội cũng đến động viên để tôi được tham gia ca hát giải trí cho vui và gần gũi với mọi người hơn”.

Cũng như bao người mù khác, những ngày khi bắt đầu phải sống trong bóng tối đối với anh Bon tưởng chừng như mất tất cả. Tốt nghiệp sư phạm, những tưởng khi ra trường sẽ được đứng lớp giảng dạy, nhưng ước mơ ấy đã trở nên xa vời khi anh Bon không may bị bệnh về mắt. Lúc đó, do kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện chữa trị không có, vì vậy mắt anh Bon ngày càng yếu dần và không còn nhìn thấy ánh sáng như hiện nay.

Cũng từng mặc cảm vì khiếm khuyết đi đôi mắt, chị Danh Thị Thắm, ở thị xã Long Mỹ, dù chưa được học qua trường lớp nào về ca hát, nhưng chị cũng đã mang đến cho mọi người những bài hát thật ngọt ngào sau quá trình tự tập luyện. Chị Thắm, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Khi tham gia vào đây, những người mù có năng khiếu ca hát sẽ được tập hát bài bản hơn, khi đã hát tốt mình còn có cơ hội giao lưu cùng mọi người, kể cả các CLB của người sáng. Ở những CLB này, người mù chúng tôi không chỉ được giao lưu, học hỏi, mà còn giúp mọi người tự tin hơn trong giao tiếp, không còn mặc cảm, tự ti. Qua rà soát, chúng tôi nắm được trên địa bàn còn rất nhiều người mù có năng khiếu ca hát, nhưng do tâm lý ngại e dè, nên vừa rồi khi vận động họp tham gia CLB nhiều người còn né tránh. Theo đó, khi CLB đã đi vào ổn định chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thêm hội viên người mù để tham gia vào CLB”.

Còn ở CLB Đờn ca tài tử huyện Long Mỹ, hơn 1 năm đi vào hoạt động, CLB đã giúp cho nhiều người mù không chỉ được thể hiện niềm đam mê, mà còn giúp họ kiếm thêm thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Ông Trần Hoàng Ba, hội viên CLB, nói: “Tham gia CLB này thấy vui lắm, đã là người khuyết tật rồi được tụ họp cùng anh em, được trò chuyện ca hát giúp tôi quên đi những buồn phiền trong cuộc sống. Trước đây, tôi cũng biết đờn thôi, hát thì cũng được chút đỉnh à, nhưng từ hồi vào CLB này, tôi cũng biết ca hát bài bản hơn. Nhờ vậy, khi có đám tiệc mời đi biểu diễn, tôi cũng kiếm thêm được chút đỉnh thu nhập để trang trải cuộc sống”. Hiện nay, dù đã 67 tuổi, mắt không nhìn thấy đường, nhưng với tài đánh đờn và ca hát, ông Ba cũng thu nhập được vài trăm ngàn đồng cho mỗi lần đi biểu diễn.

Được biết, những năm trước đây, nhiều người mù trên địa bàn tỉnh cũng đã từng tham gia thi tiếng hát dành cho người khuyết tật và đạt các giải thưởng rất cao. Cũng vì vậy, các CLB đờn ca tài tử được thành lập dành cho người mù, sẽ góp phần bồi dưỡng năng khiếu ca hát và gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 CLB đờn ca tài tử dành cho người mù với 31 hội viên người mù tham gia. Trong đó, CLB trên địa bàn huyện Long Mỹ có 17 thành viên và thị xã Long Mỹ có 14 thành viên. Dự kiến, trong năm nay, Hội Người mù tỉnh sẽ thành lập thêm 1 CLB đờn ca tài tử dành cho người mù trên địa bàn thành phố Vị Thanh, với khoảng 15 thành viên tham gia.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>