Nơi gặp gỡ của những đam mê tài tử

26/08/2019 | 07:55 GMT+7

Sự nô nức hiện rõ trên từng gương mặt của gần 100 nghệ nhân đờn, ca, tham dự Hội thi Đờn ca tài tử Nam bộ huyện Vị Thủy năm 2019. Câu chuyện về chuyện nghề, niềm đam mê với tài tử đã có nơi để chia sẻ.

Hội thi là nơi hội ngộ của những niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật đậm chất Nam bộ.

Hội thi mừng sự kiện lớn

Không chỉ bám sát nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Vị Thủy sau chặng đường 20 năm phát triển, các đơn vị còn xây dựng chương trình bám sát quy định của Ban tổ chức hội thi, dù để đạt được các khung quy định này với một câu lạc bộ cấp xã là điều không dễ. Đó là xây dựng chương trình có đủ các điệu thức: nam, bắc, oán, 7 bài - 20 câu, bài vọng cổ nhịp 16 hoặc 2 câu vọng cổ nhịp 32. Trong chương trình còn phải có 1 tiết mục hòa đờn và trong 4 tiết mục hòa ca phải có 1 tiết mục ca ra bộ. Quy định này buộc các đơn vị phải có sự chuẩn bị, tập đợt nghiêm túc. Bởi các điệu thức có thể đờn, ca, nhưng để chuyển tải được cái hồn và ra chất tài tử là không hề đơn giản cả với người có kinh nghiệm lâu năm.

Đến với hội thi, các nghệ nhân đều mang tâm trạng vui tươi, hứng khởi. Họ quyết tâm tập luyện để thể hiện một cách tốt nhất, để truyền được cảm hứng, niềm say mê tài tử đến với mọi người. Nghệ nhân ca Hoàng Vũ, xã Vĩnh Tường, chia sẻ, trong đội, chọn những giọng phù hợp với từng điệu thức và tập luyện nhuần nhuyễn. Trước khi đi diễn, một chị trong đội bị tai nạn, nhưng vẫn phải nén đau để lên hoàn thành bài thi của mình, chứ đâu thể kiếm được người thay vì khó ai hát được như chị ấy. Rồi cũng hoàn thành chương trình dự thi, niềm vui của những nghệ nhân như anh càng tăng lên gấp bội. Mọi người không những thể hiện khả năng của mình, mà còn giới thiệu với bạn bè loại hình nghệ thuật độc đáo của nhân loại.

Cùng niềm vui đó, nghệ nhân Ngọc Phượng, xã Vị Đông, cho biết, chị vui vì đến đây được gặp những người có cùng đam mê, sở thích. Có đến hơn 30 năm theo nghề, giờ niềm vui của chị là những chuyến đi thi thố, giao lưu, được gặp gỡ và được chia sẻ. Rồi trở về nhà, chị tập hợp những người mê đờn ca tài tử ở xã để tập dợt, cùng nhau sinh hoạt và truyền nghề cho những ai thích, đặc biệt là những bạn trẻ.

Nghệ nhân Thành Lợi, xã Vĩnh Trung, vừa trải qua cơn bạo bệnh, tưởng chừng không còn cầm được cây đờn, nhưng chính tình yêu tài tử nồng hậu và gắn bó với cây đờn mấy chục năm đã thôi thúc ông kiên trì luyện tập để đôi tay nhanh nhẹn, có thể bấm được phím đờn. Ông chia sẻ: “Được ngồi đờn, tôi mừng không có gì diễn tả được. Còn sức khỏe là tôi còn tiếp tục đờn để cống hiến, để góp phần giữ gìn môn đờn ca tài tử này”.

Cùng gìn giữ và phát huy tài tử

Gần 100 nghệ nhân đờn, ca của huyện đã hội tụ về, cùng hòa đờn, hòa ca những giai điệu ngọt ngào, làm say đắm lòng người. Ông Phạm Thành Chung, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành viên Ban Giám khảo, hồ hởi: “Là người gắn bó với phong trào đờn ca tài tử ở Hậu Giang nhiều năm, giờ được ngồi để xem các câu lạc bộ các xã, thị trấn của huyện Vị Thủy, một đơn vị có phong trào khá mạnh, tôi thấy thật sự vui mừng. Các nghệ nhân đã thể hiện bản lĩnh của mình, vẫn giữ được giọng ca, ngón đờn. Đây là những người xứng đáng để cùng góp phần giữ gìn và phát huy đờn ca tài tử ở cơ sở”.

Những nghệ nhân kỳ cựu như Thành Lợi, Út Thắng, Văn Sậu, Duy Mạnh, Duy Hải, Ngọc Phượng, Văn Sáng… vẫn giữ được ngón đờn và giọng ca tài tử ngày càng mượt mà, truyền cảm. Dù ít, nhưng sự xuất hiện của gương mặt trẻ cũng đã tạo dấu ấn, thể hiện sự phát huy, kế thừa của loại hình nghệ thuật này. 12 tuổi, giọng hát ngọt ngào của em Nguyễn Thị Lan Anh, ở xã Vị Bình, làm xao xuyến lòng người. Em đã đi học đờn ca tài tử hơn 3 năm nay. Nhà không có ai theo môn này, nhưng ông bà nội em rất thích và sẵn sàng chở cháu đi tập hát. Em hồ hởi: “Không hiểu sao nghe tiếng đờn là em thấy vui, thích lắm. Giờ hát cũng chưa hay lắm đâu, nhưng em cố gắng để hát thật hay, đúng chất tài tử”…

 Ông Nguyễn Thanh Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy, cho biết, hội thi nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Vị Thủy 20 năm thành lập. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn không chỉ tạo hoạt động sôi nổi, là nơi để những người chơi tài tử gặp gỡ, trao đổi chuyện nghề, mà còn là dịp để chúng tôi đánh giá hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở cơ sở một cách toàn diện. Từ đó, sẽ có cách phát huy và bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ để các câu lạc bộ hoạt động ngày càng chất lượng”.

Hội thi này sẽ được duy trì thường niên. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao tiếp tục tổ chức tập huấn về đờn, ca cho các nghệ nhân và tổ chức giao lưu giữa câu lạc bộ đờn ca tài tử của huyện với các xã, thị trấn, để tiếp tục nâng chất, tạo sân chơi để các nghệ nhân nâng kỹ năng đờn, ca, phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới!

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>