Nghệ thuật tiếp tục góp sức chống dịch

08/04/2020 | 08:35 GMT+7

Sau một vài tác phẩm âm nhạc chống dịch ban đầu, đến nay, giới nghệ thuật đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, từ phim ảnh, âm nhạc, đến các loại hình nghệ thuật khác như tài tử Nam bộ... chung tay chống đại dịch.

Âm nhạc, điện ảnh đã nhập cuộc chống dịch.

Nhà làm phim nhập cuộc

 “Những ngày không quên” vừa chính thức lên sóng và sẽ phát sóng lúc 21 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên VTV1, mang đến thông điệp ý nghĩa. Điều này làm khán giả hết sức bất ngờ khi nhà đài tạm dừng phát sóng bộ phim “Đừng bắt em phải quên” vào khung giờ này, để nhường chỗ cho bộ phim này. Phim tái hiện cuộc sống của người dân thành thị lẫn nông thôn khi dịch Covid-19 ập đến. Nội dung phim khai thác từ hai bộ phim từng được khán giả yêu thích là “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta” phát sóng cách đây không lâu. Câu chuyện bắt đầu từ việc gia đình ông Sơn về quê ăn giỗ. Có người trong làng nhiễm bệnh, cả làng bị cách ly. Rồi cuộc sống những người thân trong gia đình ông Sơn cũng đảo lộn, bởi có người đi qua từ vùng dịch tận trời Âu, rồi đám cưới người cháu đã định sẵn ngày, phải đình lại… Trước những sự việc bất ngờ, bất thường liên tục ập đến, làm cho những vấn đề tiếp tục được đưa lên cao trào: người đi mua thực phẩm tích trữ, nạn găm hàng, tăng giá, trốn cách ly…

Phía sau câu chuyện, điều mà những người làm phim muốn gửi gắm chính là tình người, ý thức trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, về sự đoàn kết, chung tay, sự tri ân với lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch. Tất cả đều được thể hiện trong từng tập phim một cách sống động. Phim do 2 đạo diễn Trịnh Lê Phong và Danh Dũng phối hợp thực hiện, có độ dài 40 tập, với sự tham gia của NSND Trung Anh, NSND Bùi Bài Bình, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Quốc Trường…

Mới đây, Cục Điện ảnh cũng yêu cầu Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương nhanh chóng xây dựng kịch bản phim tài liệu về việc phòng chống dịch, khẳng định nỗ lực của đất nước Việt Nam trên trận tuyến đầy cam go, thử thách; khẳng định sự chủ động, tích cực, khoa học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Chính phủ, toàn quân, toàn dân. Đây hứa hẹn sẽ là một bộ phim với đặc thù ngôn ngữ điện ảnh tài liệu, khoa học, phản ánh hiện thực sống động, có chiều sâu.

Sẽ còn những bộ phim tiếp tục khai thác đề tài này trong thời gian tới, để phản ánh toàn cảnh bức tranh chống dịch của Việt Nam.

Âm nhạc tiếp tục phát huy thế mạnh

Khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch chống Covid-19, âm nhạc đã vào cuộc, mang những giai điệu vui tươi, sôi động, tiếp tục truyền lửa lạc quan cho cộng đồng bằng loạt ca khúc: “Ghen cô Vy”, “Nắm tay qua đại dịch”, “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID”, “Chung tay phòng chống Corona”, “Bao la những trái tim hồng”, “Việt Nam sẽ chiến thắng”… Các ca khúc đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Sức lan tỏa của ca khúc này đã vượt giới hạn, được nhiều nước trên thế giới chọn thể hiện lại, như một cách tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thật gần gũi, dễ tiếp nhận. Điển hình như ca khúc “Ghen cô Vy”.

Mới đây, ca khúc “Trống cơm”, phiên bản chống Covid do Kyo York, một ca sĩ người Mỹ đang phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Việt Nam viết lời và thể hiện, bài hát do nhạc sĩ Khúc Đạo Minh viết phần lời Việt, hòa âm, Kyo York dịch sang tiếng Anh và thể hiện, mang thông điệp cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh, kêu gọi mọi người hạn chế ra đường, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng… Trên nền nhạc âm hưởng dân gian, nam ca sĩ thể hiện với lối hát vui tươi, vừa tuyên truyền, vừa tạo sự lạc quan, giảm bớt căng thẳng… Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ cải lương đã cho ra lò các bài bản tài tử cũng với đề tài chung tay chống dịch.

Những ngày tiếp theo, chắc chắn âm nhạc sẽ tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tận dụng thế mạnh của mình, để cùng chung tay cổ vũ, động viên toàn dân trong công cuộc chống đại dịch - được đánh giá còn không ít khó khăn, thử thách.

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>