Mừng và lo cho cải lương

17/09/2018 | 15:21 GMT+7

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đang diễn ra tại tỉnh Long An, có sự tham gia của 25 đoàn, nhà hát với 32 vở diễn. Liên hoan sẽ khép lại vào tối 19-9, để lại trong lòng giới chuyên môn và người mộ điệu đan xen tâm trạng vừa mừng vừa lo cho cải lương sau một thế kỷ hình thành và phát triển.

Đông đảo

Gần 1.500 diễn viên, nghệ sĩ tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay là con số khá ấn tượng. Nói như ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan, sự kiện này như một sân chơi, vui vẻ, gắn kết chứ không chỉ là ganh đua hơn thua. Sự kiện này sẽ mang tính chất như một cuộc “điểm binh” cho sân khấu cải lương, là dịp để nhìn lại đội ngũ diễn viên, những vấn đề liên quan đến kịch bản, vở diễn, lực lượng cải lương trong giai đoạn hiện nay.

 


Nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Đô diễn vở “Cánh buồm ngược gió” do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Điểm đặc biệt nhất là tên gọi “Liên hoan Cải lương toàn quốc” thay vì “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc” như những lần trước. Việc thay “Cuộc thi” bằng “Liên hoan”, bỏ cụm từ “chuyên nghiệp” cho thấy sự “mở cửa” cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa (với quy định có thời gian hoạt động nghệ thuật liên tục từ 12 tháng trở lên). Nhờ vậy, năm nay có đến 8/25 đoàn nghệ thuật là đơn vị tư nhân. Có thể kể đến như Nhà hát Thế giới trẻ với vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”; sân khấu Lê Hoàng với vở “Thái hậu Dương Vân Nga”; Công ty Kim Tử Long với “Rạng ngọc Côn Sơn”; Công ty Nguyễn Vĩnh Lộc với vở “Hồn của đá”…

Liên hoan năm nay cũng được cho là mạnh tay với chuyện tiêu cực trong thi cử, giải thưởng. Ban tổ chức để các đơn vị được tự do lựa chọn đề tài tác phẩm, hạn chế góp ý để tôn trọng sự sáng tạo, đột phá của các đoàn. Ban tổ chức cũng quy định các nghệ sĩ tham gia vào bất cứ khâu nào của vở diễn cũng đều không được ngồi ghế giám khảo để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Phát biểu tại đêm khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Lê Quang Tùng tái khẳng định: “Nét mới của liên hoan năm nay so với những kỳ liên hoan trước là không có sự phân biệt giữa các đoàn nghệ thuật công lập và ngoài công lập, nhằm hướng tới mục tiêu chính là chất lượng nghệ thuật, tạo sân chơi đúng nghĩa cho những nghệ sĩ yêu nghề”.

Lo nhân sự cải lương

Điều đáng lo nhất ở Liên hoan lần này là đội ngũ làm nghề. Ngoài diễn viên thì đội ngũ đạo diễn, biên kịch, chuyển thể cải lương, họa sĩ, âm nhạc… cũng chỉ “quanh đi quẩn lại” những cái tên quen thuộc khiến người xem lo ngại về sự trùng lặp, thiếu màu sắc.

Trước hết là về họa sĩ thiết kế sân khấu, năm nay xuất hiện họa sĩ trẻ Trần Hồng Vân với tư duy hội họa sân khấu tốt. Tuy nhiên, dù gì cũng khiến người yêu cải lương thấy lo khi đảm nhận tới… 8 vở từ Nam chí Bắc như “Mùa xuân bất tận”, “Hồi sinh”, “Hồn của đá”, “Hiu hiu gió bấc”… Bên cạnh đó, những họa sĩ thành danh thì cũng bận rộn: người ít thì 2- 3 vở, trung bình là 4-5 vở. Như Họa sĩ - NSND Doãn Bằng thiết kế sân khấu cho 5 vở, họa sĩ Lê Văn Định thiết kế 4 vở…

Nói về đạo diễn cải lương, không thể phủ nhận tài năng của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, song việc đạo diễn cùng lúc 5 vở cho 5 đoàn khác nhau khiến ai cũng lo ngại. Trong đó, NSND Trần Ngọc Giàu có đạo diễn cho vở “Cánh buồm ngược gió” của Đoàn Cải lương Tây Đô (Cần Thơ). Một số đạo diễn khác cũng khá bận bịu tại Liên hoan lần này như đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai (3 vở), NSND Giang Mạnh Hà (3 vở), NSƯT Triệu Trung Kiên (3 vở)...

Soạn giả Hoàng Song Việt có lẽ là cái tên được nhắc nhiều nhất ở lĩnh vực chuyển thể cải lương trong Liên hoan lần này. Một mình ông chuyển thể từ kịch bản văn học sang cải lương 6 vở diễn: “Hiu hiu gió bấc”, “Ngày đó họ đều còn trẻ”, “Ngạ Quỷ”, “Tổ quốc nơi cuối con đường”, “Cuộc đời của mẹ”, “Thành phố buổi bình minh”. Lĩnh vực âm nhạc cũng thế, nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy tên những nhạc sĩ quá quen thuộc của làng cổ nhạc như NSƯT Hồ Văn Thành (5 vở), nhạc sĩ Thanh Dũng (5 vở), NSND Hoàng Anh Tú (4 vở)…

Đành rằng, trong tình thế “chẳng đặng đừng”, việc các nghệ sĩ, đạo diễn… phải làm cùng lúc nhiều vở diễn, nhưng nhìn về tương lai cho cải lương, nhân lực cho sân khấu nước nhà, đây là điều đáng suy nghĩ và cần được tính toán.

Theo ĐĂNG HUỲNH – Báo Cần Thơ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>