Một gia đình cứ cuối tuần lại… họp

21/06/2020 | 18:01 GMT+7

Nghe câu chuyện về hành trình xây dựng và giữ gìn hạnh phúc của ông Nguyễn Văn Cứ, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, mới hiểu vì sao ông và từng thành viên trong gia đình đều trân quý thành quả hôm nay, cùng vun đắp cho mái ấm càng thêm ấm.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Cứ chuẩn bị bữa cơm gia đình.

Vun bồi hạnh phúc, gắn kết gia đình

Hơn 30 năm gắn kết với nhau, từ lúc nghèo khổ, hai bàn tay trắng ở tuổi đôi mươi, phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh, cho đến giờ đã có cơ ngơi ổn định, chưa khi nào hai vợ chồng to tiếng với nhau. Bà Nguyễn Thị Cúc, vợ ông, kể: “Tôi thương ổng nhất là cách sống mẫu mực, tiếp vợ việc nhà không nề hà, đảm nhận chuyện dạy con. Nhà này mấy chục năm qua vẫn duy trì việc họp gia đình vào mỗi cuối tuần để tổng kết lại những công việc trong một tuần, đứa con nào có lỗi được cha mẹ chỉ dạy nhẹ nhàng và chỉ luôn cho cách để sửa”. Các con của ông bà nhờ vậy luôn quấn quýt với nhau, có chuyện gì là chia sẻ với cha mẹ, anh em. Từ đó, ông bà hiểu được con đang khó khăn việc gì, mong muốn thế nào để có cách hỗ trợ.

Gia đình ông còn giữ nét riêng là cùng ngồi ăn bữa cơm gia đình. Dù ai có đi đâu, làm gì, đến giờ cơm đều tranh thủ về, vì những người ở nhà chờ đủ mới ăn cơm. Trên mâm cơm ấy là bao câu chuyện kể về công việc của mỗi người, về những điều muốn hỏi ý kiến người lớn và nhận lại những lời dạy chân thành, lời chia sẻ, động viên kịp thời… Chị Trần Thị Thùa, con dâu út của ông, cho biết, về làm dâu gần 10 năm, gia đình vẫn giữ thói quen ngồi ăn cơm cùng nhau, họp gia đình. Đây là dịp mỗi thành viên cùng ngồi lại trò chuyện, chia sẻ. “Tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm con dâu trong gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Tôi đã học ở cha mẹ rất nhiều về cách dạy con, cách chăm chút gia đình, để tiếp tục noi gương và xây dựng gia đình nhỏ của mình”, chị Thùa chia sẻ.

Chia sẻ với cộng đồng

Những năm gần đây, khi con cái đã lớn, có công ăn việc làm ổn định, ông lại đi làm từ thiện. Ông Cứ cho biết: “Tôi đã trải qua thời gian nghèo khó. Mình cũng có cái ăn, cái mặc rồi, nên đi giúp những người nghèo khó hơn mình là chuyện nên làm. Mỗi khi làm được một việc, giúp được một người, tôi thấy mình khỏe ra, vui vẻ hơn”.

Những việc ông làm khó đếm được hết, đó là vận động mọi người đi sửa lại con lộ hư để bà con đi lại thuận tiện, đi xin tiền làm cầu, rồi tự đứng ra tập hợp những người trong xóm góp ngày công để cùng nhau xây cầu, làm đường. Ai quá khó khăn, eo hẹp, bệnh không tiền mua thuốc, trò nghèo không có tiền mua sách vở, quần áo, ông có được nhiêu thì ông cho, rồi ông đi vận động mạnh thường quân để hỗ trợ. Mỗi khi có hộ nào được tài trợ nhà tình thương, ông lại đứng ra vận động những người biết xây nhà để tính toán, góp sức xây nên. Từ đó, những người tình nguyện sát cánh với ông ngày càng nhiều và thành lập nên “Câu lạc bộ những người góp công, góp của” với hơn 10 thành viên. Những cánh tay làm việc thiện đã, đang và sẽ tiếp tục được nối dài…

Ông có hai ước nguyện trong cuộc đời mình là giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi con cái đàng hoàng và tạo dựng cho các con cơ ngơi riêng; làm việc thiện để giúp đời khi hoàn cảnh gia đình ổn định. Ở tuổi 60, ông đã đạt được những điều trên và cả nhà đang tiếp tục giữ gìn, phát huy nó bằng tình yêu, trách nhiệm của mình. Trong đó, có câu chuyện rất lạ như đã kể, ít nhà làm được, đó là duy trì họp gia đình vào mỗi tuần…

   Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>