Khóc - cười nhạc đám

14/11/2018 | 18:48 GMT+7

 “… Xin đại diện cho gia đình chân thành cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian đến chia buồn vì sự ra đi của cụ bà. Tỏ lòng tưởng nhớ người đã khuất, chúng ta hãy bằng lời ca tiếng hát, góp vui cho chương trình văn nghệ hôm nay. Xin một tràng pháo tay của quý vị", MC dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên giòn giã giữa đám tang.

Giới thiệu mở đầu của phần “văn nghệ chia buồn” tại một đám tang ở phường ngoại ô TP Cà Mau quá xa lạ, làm anh bạn ngồi cạnh tôi khó chịu: “Trời đất, đám tang gì mà có chuyện góp vui văn nghệ, rồi lại vỗ tay khích lệ… mất hết thuần phong và vẻ trang nghiêm tang lễ!”. Anh bạn khác ngồi chung bàn phân trần: “Thắc mắc chi cho thêm bực. Bây giờ "văn nghệ văn gừng" ở đám cưới, lễ tang cứ lộn tùng phèo. Thậm chí lễ mừng thôi nôi của trẻ con mà chỉ toàn người lớn cụng ly chúc tụng nhau, rồi rên rỉ "Đồi thông hai mộ", "Áo em chưa mặc một lần…"”.

Múa lân trong đám tang có phù hợp phong tục?

Văn nghệ trong các dịp lễ, đám, tiệc… đã trở thành trào lưu phát triển từ thành thị tới nông thôn. Suy cho cùng, việc góp nhặt bằng lời ca tiếng hát để tăng thêm niềm vui, hay chia sẻ nỗi buồn của người thân, bạn bè trong đám, tiệc… cũng là nét văn hoá cộng đồng. Tuy nhiên, khi nào cần sôi động, náo nhiệt, lúc nào cần sự trầm lắng, sâu sắc và thời gian văn nghệ kéo dài bao lâu… là vấn đề cần được quan tâm. Bởi thực tế hiện nay, ca hát cứ tuỳ tiện bất kể thời gian nghỉ ngơi của hàng xóm xung quanh, việc “loạn nhạc” cũng đang diễn ra khá phổ biến.

Liên khúc tình yêu ở đám tang

Thường thì ở đám tang, người ta ca hát chia buồn với gia đình bằng những giai điệu vọng cổ du dương như Nam ai, Phụng hoàng, Khóc hoàng thiên… với nội dung ca ngợi công đức sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Mức âm thanh vừa phải và văn nghệ chỉ diễn ra khi khách viếng đã về vắng thưa mà chương trình cũng kéo dài không quá khuya.

Nhưng có quan niệm cho rằng, đám tang cần một chút ồn ào, vui vẻ để xua đi nỗi tang tóc, đau thương nên cần cổ - tân hoà điệu, rồi dần dần tân nhạc lấn át. Thay vì ca những bài hát nói về tình cha, nghĩa mẹ, tự hào quê hương, đất nước…, thì nhiều người cho là nhàm chán, thay vào đó là những bài ca “lai”, có khi là nhạc chế với giai điệu sôi động và cứ hát vô tư có khi đến tận 12 giờ đêm.

Nhắc lại diễn biến tại đám tang ở phường ngoại ô TP Cà Mau. Thời điểm đó chỉ khoảng hơn 19 giờ, sau phần giới thiệu của MC, một thanh niên trẻ tuổi xung phong mở màn bằng một “liên khúc tình yêu” và để lôi cuốn người nghe, anh thanh niên này mời cô bạn nữ cùng song ca, tiếng nhạc xập xình nhiều người ngồi bên dưới lắc lư theo. Nếu không chứng kiến mà nghe từ xa, người ta cứ tưởng đó là văn nghệ mừng hỷ sự chớ không phải đám tang!

Thậm chí, có đám tang gia đình còn mời cả đội lân, hoặc ê kíp tái hiện chuyện thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh để gây náo nhiệt trước giờ động quan tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo đó, người người chen nhau livestream, chụp ảnh đăng facebook, tiếng cười nói rộn rã. Đúng là đám tang… vui thiệt(!)

Đám cưới hát "Đắp mộ cuộc tình"

Cưới xin là chuyện hệ trọng của cả một đời người, nên ngày cưới cũng nên có một chút không khí náo nhiệt và góp vui bằng lời ca tiếng hát qua chương trình văn nghệ nghĩ cũng rất cần thiết. Nhưng, khổ nỗi với hệ thống âm thanh hiện đại, mới bước vào đám thì khách đã ù tai bởi nhạc nền sôi động.

Dẫu sao cũng chấp nhận được vì đám cưới mà! Phải vui. Song, tới phần văn nghệ góp vui của quan khách, bạn bè thì trời ạ, nhạc cứ xập xình giai điệu remix sôi động nhưng lời lại thê lương, buồn tủi bởi nội dung các bài hát “Duyên phận”, "Tôi đưa em sang sông”, “Lời cuối cho một cuộc tình”…, khiến không ít người tỏ ra khó chịu. Đã vậy, nhiều giọng ca lạc nhịp, nhạc đánh đằng đông mà cứ ca đằng tây theo kiểu tra tấn người nghe.

Tại đám gả con gái của anh bạn thân, sau bài “Đám cưới trên đường quê” mở màn chương trình vừa đúng nghĩa vừa sôi động, MC tiếp tục giới thiệu một giọng ca trẻ, ngọt ngào tham gia góp vui chương trình một bài hát “ca trước biết sau”. Người thì đoán là bài “Ngày xuân vui cưới”, người khác cho rằng sẽ là bài “Mùa xuân cưới em”… nhưng tất cả đều sai bét. Dứt phần dạo nhạc mở đầu, “ca sĩ” nhắm mắt cất giọng “Say giấc mộng ban đầu, yêu người tuổi mới đôi mươi… Ai đã hẹn với thề, để rồi lỡ mối duyên thơ… Ngày em thay áo, áo bay hoa pháo đỏ rượu nồng, có ai nát cả cõi lòng, đứng nhìn em bước bên chồng…”. Trời đất, con gái người ta mới lấy chồng mà rũ rượi bài hát “Đắp mộ cuộc tình”, quan khách dự tiệc cứ trố mắt ngạc nhiên.

Tuy không phải là tất cả, nhưng thực tế việc loạn nhạc, lộn tùng phèo văn nghệ cũng như phô trương, lãng phí trong đám tang, lễ cưới, tiệc liên quan… đang khá phổ biến. Nhìn chung, việc tổ chức đám tiệc là quyền tự do và tuỳ điều kiện kinh tế của mỗi người. Thế nhưng, trong sự tự do đó cần phải thể hiện văn hoá, văn minh cũng như giữ gìn những nét đẹp thuần phong, trân trọng các giá trị văn hoá truyền thống. Điều này phù hợp với các quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cụ thể là Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Ban hành quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa tỉnh Cà Mau”.

Theo Mỹ Pha – Báo Cà Mau Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>