Giữ hồn nhạc cụ dân tộc Khmer

05/07/2019 | 08:33 GMT+7

Nghe tên đã lâu, biết ông chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc Khmer, nhưng mới đây, tôi lại càng bất ngờ hơn khi thấy ông biểu diễn cha pây chomrieng, một loại hình trình diễn dân gian của đồng bào Khmer đã mai một ít nhiều tại Hậu Giang. Ông là nghệ nhân Danh Phúc (ảnh), ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Cả đời đam mê

Cha pây là tên của một loại nhạc cụ, còn chomrieng là hát. Cha pây chomrieng là loại hình độc xướng có đàn cha pây đệm theo. Đây được xem là loại hình nghệ thuật độc đáo, lâu đời và mang đậm bản sắc của người Khmer. Từ xưa đến nay, người Khmer đã xem cây đàn cha pây như hồn thiêng dân tộc mình. Từ âm thanh réo rắc, như nghe được trong đó không khí sôi động của ngày mùa lời thì thầm của đôi trai gái yêu nhau hay lời dạy về đạo làm người…Người chơi loại hình này không chỉ đàn giỏi mà phải biết hát, cả sáng tác những đoạn thơ dựa theo một cốt truyện gần gũi với cuộc sống. Khi hát một đoạn sẽ lại khảy đàn cha pây làm nhạc đệm. Có khi, không phải là cốt truyện mà là những khổ thơ về tâm trạng hay tình huống nào đó ghi đậm dấu ấn trong cuộc đời của chính người thể hiện. Hát và đờn phải bằng tấm lòng, người nghe mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Loại hình nghệ thuật này đã có tên trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với nghệ nhân Danh Phúc, cái duyên của ông với loại hình này gắn với truyền thống gia đình. Ông chia sẻ: “Cây đàn này của ông nội tôi. Từ nhỏ, chính ông là người dạy tôi biết yêu thích nghệ thuật của dân tộc mình. Tôi thấy nhạc dân tộc mình hay quá, nên ngày càng quyết tâm phải biết, càng nhiều càng tốt. Ông không dạy tôi nhiều, chỉ để lại cây đàn này và truyền cho tôi niềm đam mê. Lớn lên, mỗi khi đi nghe, đi xem đàn là cố nhớ để về nhà mò mẫm học”. Nhờ có năng khiếu âm nhạc và cũng say mê đàn, hát, nên ông học rất nhanh, 18 tuổi, ông đã chơi thạo và tham gia vào băng nhạc ở địa phương đi phục vụ các buổi tiệc, nhất là những dịp lễ ở chùa. Không ngờ thú chơi tao nhã ấy đã gắn bó với ông suốt một chặng đường dài.

Ai thích học sẽ dạy

Không chỉ với cây đàn cha pây mà các nhạc cụ khác trong dàn ngũ âm, đờn cò, đờn gáo, mandoline, kèn, trống…, ông đều chơi được. Nhưng thể loại nhạc ông thích nhất vẫn là cha pây chomrieng. Ông nói chắc ông có duyên với loại hình nghệ thuật này, cũng bởi tình yêu được thắp lên từ trong chính gia đình mình. Với lại, ông cũng có khiếu sáng tác, ghi lại những cảm xúc của mình trong cuộc sống, nên hợp với loại hình vừa đàn vừa hát, đọc thơ rất độc đáo này. Người Khmer xem loại hình nghệ thuật này là những bữa tiệc tinh thần không thể thiếu sau những vụ mùa vất vả. Nhưng giờ đây, ngày càng có ít người biết. Ngay những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, những người am tường loại hình nghệ thuật này chỉ còn vài người. Vậy nên, niềm đam mê và biết về nhạc cụ của dân tộc, trong đó có cha pây chomrieng như nghệ nhân Danh Phúc càng trở nên quý.

Cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng với nghệ nhân Danh Phúc, đàn chính là nghiệp đã gắn với cuộc đời ông. Đây cũng chính là cái nghề nuôi sống gia đình, bên cạnh việc làm nông truyền thống lâu nay. Quý giá hơn, ông còn là người giữ cây đàn cha pây có tuổi thọ cả trăm năm của ông nội mình. Nghệ nhân mải miết nói về cây đàn và hành trình ông thỏa sức vẫy vùng với niềm đam mê trong gần 50 năm qua.

Giờ đã ở tuổi ngoài 70, tai đã không còn nghe rõ, chân cũng đã yếu, nên ông đi ít hơn. Khi hỏi về người sẽ tiếp bước ông để gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật cha pây chomrieng mà ông dành gần cả đời để theo đuổi, ông chợt chùn giọng: “Con cháu tôi hổng ai chịu học. Mà chúng nó cũng không có khiếu. Tôi cũng buồn vì nghĩ đến điều này. Giờ, ai thích học là tôi dạy. Còn cây đàn này…”. Ông bỏ lửng câu nói, như một cách để nói rằng ông đã cố gắng hết sức mình và sẽ tiếp tục trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời để thắp truyền tình yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>