Giữ gìn và phát huy nghệ thuật tài tử

11/10/2019 | 08:57 GMT+7

Ngành văn hóa đã và đang xây dựng, củng cố hệ thống câu lạc bộ đờn ca tài tử ở cơ sở, tạo điều kiện để các nghệ nhân được giao lưu, học hỏi, ngày càng đờn hay, hát giỏi.

Các nghệ nhân tài tử được trang bị kiến thức và có nhiều sân chơi để thể hiện, cùng giữ gìn đờn ca tài tử.

Tạo sân chơi lành mạnh

Hơn tháng nay, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh bắt đầu tổ chức Hội thi đờn ca tài tử cấp huyện, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các nghệ nhân tài tử. Đến thời điểm này, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ đã hoàn thành. Sắp tới đây sẽ là thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành A… Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đã tổ chức hội thi cấp tỉnh vào tháng 5 và cố gắng xây dựng thành hội thi truyền thống 2 năm 1 lần. Sau đó, chỉ đạo các huyện tùy theo tình hình thực tế tại địa phương tổ chức hội thi xen kẽ để củng cố và chuẩn bị lực lượng tham gia hội thi cấp tỉnh. Đây là một trong những cách để duy trì, phát triển phong trào đờn ca tài tử, tạo sân chơi đồng bộ, sinh động. Giúp phát hiện, chăm bồi những nhân tố mới, làm nòng cốt cho phong trào tài tử ở các địa phương.

Nếu như hội thi đờn ca tài tử cấp tỉnh là những chương trình được xây dựng chỉn chu, thể hiện bởi các nghệ nhân có kinh nghiệm, tạo nên dấu ấn về chất lượng, phong cách, thì ở hội thi cấp huyện, tuy chất lượng chưa thể sánh bằng, nhưng mỗi nghệ nhân đều nỗ lực hết mình để thể hiện trọn vẹn một bản đờn, bài ca tài tử.

Từng làm giám khảo ở hội thi cấp tỉnh và huyện, nghệ nhân ưu tú Trần Thị Khéo, Trung tâm Văn hóa tỉnh, chia sẻ: “Tôi thấy vui vì chất lượng nghệ thuật được nâng lên rất nhiều. Mỗi địa phương đều có sự đầu tư nâng chất, chú ý đến phong trào đờn ca tài tử. Từ đó, có sự chăm bồi, phát huy khá tốt. Điều này thấy rõ nhất qua hội thi cấp huyện vừa qua. Các nghệ nhân không chỉ có tiến bộ về kỹ thuật đờn, ca, mà còn xuất hiện nhiều nhân tố mới, hội tụ nhiều yếu tố thanh, sắc… Sẽ là thế hệ kế thừa đầy triển vọng”.

Nâng chất lượng

Cùng với việc tổ chức hội thi đờn ca tài tử các cấp, ngành văn hóa còn chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các câu lạc bộ đờn ca tài tử từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Ở trung tâm văn hóa tỉnh và huyện đều phải có câu lạc bộ đờn ca tài tử chất lượng, thường xuyên tổ chức giao lưu với các xã, ấp. Đây là dịp để những nghệ nhân được gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, cùng trau dồi kỹ năng đờn, ca, tạo cho phong trào đờn ca tài tử ở cơ sở một sức sống mới. Từ đó, giúp phong trào này phát triển đều khắp, giữ được chất lượng ở những hội thi các cấp, mang đến những chương trình tài tử đậm đà bản sắc, tạo dấu ấn riêng.

Ngành văn hóa còn tổ chức tập huấn kỹ năng đờn ca tài tử cho các nghệ nhân đờn ca. Mỗi năm có ít nhất 1 lớp, từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi lớp có thời gian hơn 10 ngày, với sự tham gia của hơn 40 nghệ nhân đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Các nghệ nhân truyền nghề là những nghệ nhân nổi tiếng, làm công tác giảng dạy lâu năm ở các trường nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập huấn nằm trong Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2015-2020”. Từ những lớp truyền nghề bài bản này, các nghệ nhân tiếp tục trở về địa phương, chia sẻ những gì mình đã được học để cùng nhau hiểu đúng, hiểu sâu về tài tử, hát hay, đờn giỏi.

Những cách làm đầy tâm huyết của ngành văn hóa trong thời gian qua, cùng sự nhiệt huyết, yêu nghề của những nghệ nhân tài tử, đã góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc bằng những hoạt động chiều rộng lẫn chiều sâu, thổi một luồng gió mới để đờn ca tài tử tiếp tục phát triển…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>