Để giá trị lịch sử được trường tồn

14/10/2019 | 08:00 GMT+7

Trong những năm qua, việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Từng bước phát huy giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, tham quan và học tập tại Khu di tích trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Chú trọng nâng cấp, sửa chữa

Hậu Giang hiện có 15 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử cấp quốc gia và 6 di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, từ Chương trình mục tiêu quốc gia và sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã đầu tư, sửa chữa, mở rộng Di tích Đền thờ Bác Hồ (kinh phí trên 50 tỉ đồng); Di tích Chiến thắng Chương Thiện tại thành phố Vị Thanh và tại huyện Long Mỹ (kinh phí trên 8 tỉ đồng). Đặc biệt, trong năm nay, còn có sửa chữa một số di tích khác như Di tích Vàm Cái Sình 400 triệu đồng; Khởi nghĩa Nam Kỳ 300 triệu đồng…

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Mỗi năm, hệ thống di tích đều được đầu tư để nâng cấp, sửa chữa. Cùng với đó là việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của các thuyết minh, đảm bảo giới thiệu ngắn gọn, đầy đủ, súc tích, để du khách tham quan có thể hiểu rõ, hiểu sâu về lịch sử, ý nghĩa của từng khu di tích”.

Nhờ vậy, số lượng khách đến tham quan các khu di tích ngày một đông. Từ đầu năm đến nay, tại các khu di tích đã có 178 đoàn khách đến tham quan. Cùng với đó, bảo tàng đã tổ chức gần 60 cuộc triển lãm lưu động với 11 chuyên đề kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng…; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; biển, đảo… Qua đó, đã thu hút gần 223.000 lượt khách, vượt gần 23.000 lượt khách so với kế hoạch đề ra.

Điểm nhấn là bảo tàng còn đón tiếp học sinh trên địa bàn đến tham quan, học tập về lịch sử địa phương. Đây là chương trình nằm trong Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Thành Phước nhấn mạnh: “Học lịch sử trực tiếp như vậy sẽ hấp dẫn và thú vị với các em, giúp các em nhớ lâu. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các trường trên địa bàn được tham quan, học tập nếu có nhu cầu”. Đây là kế hoạch phối hợp rất hay, ý nghĩa giữa ngành văn hóa và giáo dục, cần tiếp tục tăng cường, phát huy không chỉ ở các trường tiểu học, mà mở rộng ra các cấp THCS, THPT, cao đẳng, đại học và đặc biệt là phải được tổ chức đều khắp ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, để có thể phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử ở các khu di tích, tạo nên chất lượng đồng đều ở cả hai phía truyền đạt - tiếp nhận…

Chung tay giữ gìn, phát huy

Không chỉ quan tâm đầu tư và phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử di tích, Bảo tàng tỉnh còn được phân công thực hiện những đề án về làng nghề truyền thống, về nghệ thuật đờn ca tài tử, di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc trên địa bàn… Thành quả của những đề án này là những phim tư liệu, sách…, cùng góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Việc sưu tầm, bảo quản hiện vật được thực hiện nghiêm túc, chỉn chu. Mỗi năm, bảo tàng sưu tầm mới ít nhất 400 hiện vật để bổ sung vào bộ sưu tập hiện có. Tại bảo tàng hiện nay đã có khá nhiều bộ sưu tập quý, từ vật dụng thời chiến, tiền cổ, nông cụ, trang phục đến các vật dụng trong gia đình, như bàn ủi, chén, ly, nồi đồng đến trang phục. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về nông cụ, tiền cổ…

Từ việc quan tâm sâu sát, đầu tư kịp thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bảo tàng đã khai thác và phát huy hết chức năng bảo tồn, bảo tàng, tạo sự đa dạng, phong phú, góp phần giữ gìn và phát huy tốt giá trị lịch sử, văn hóa của Hậu Giang nói riêng, Việt Nam nói chung.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>