Danh hiệu của lòng dân

12/10/2020 | 08:02 GMT+7

Gia đình văn hóa chính là danh hiệu của người dân, vì dân trực tiếp xây dựng.  Nhiều năm qua, việc giữ vững danh hiệu được đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của các ngành, các cấp và người dân khắp các địa phương của tỉnh.

Con đường làng quê càng đẹp hơn nhờ sự góp sức của người dân, là một điểm nhấn trong xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu vực văn hóa.

Hợp sức tạo dấu ấn

Đã ngoài 80, ông Trần Văn Miều, ở ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, vẫn cần mẫn trồng hoa, dọn dẹp sạch sẽ khoảng sân trước nhà. Công việc này ông đã làm mấy chục năm qua. Chăm lo và nuôi dạy các con nên người, thành đạt, ông tiếp tục chăm chút cho các cháu của mình. Những việc nhỏ nhặt nhất ông hướng dẫn tỉ mỉ, để con cháu có thêm những kinh nghiệm sống. Ông chia sẻ, để nói cho các con, cháu nghe, mình phải nêu gương, phải sống mẫu mực. Xây dựng gia đình văn hóa cũng vậy, dễ mà khó, khó mà lại dễ, miễn sao mỗi người phải vì cái chung… Đây là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Không chỉ vậy, gia đình ông còn là một trong những gia đình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp ở địa phương.

Có những người tự ý thức, giữ gìn nếp nhà, chăm lo làm ăn, nuôi dạy con cháu nên người. Cũng có người qua tuyên truyền vận động, dần dần ý thức được và làm theo. Điều này dễ dàng thấy nhất trong công tác tuyên truyền làm cảnh quan môi trường ở địa phương. Là người làm công tác này nhiều năm, ông Lê Hoàng Tiến, công chức Văn phòng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Phải bắt đầu nhân rộng từ những mô hình nhỏ, để nối dài, kết hợp với tuyên truyền vận động, có sự vào cuộc của các hội, đoàn thể và tổ chức nhiều đợt ra quân làm cảnh quan môi trường, ý thức của người dân cũng dần nâng lên từ những thành quả mà họ cảm nhận thật cụ thể, trước mắt”. Kinh nghiệm này ông đã chắt lọc từ việc tuyên truyền xây dựng tuyến đường đẹp ở ấp 6, xã Vị Thắng. Từ sự nhiệt tình của cô Ba Đào, đã thành lập Câu lạc bộ trồng hoa kiểng Hoa Anh Đào ở ấp 6, tập hợp được những người lớn tuổi. Dần dần, mô hình lan rộng ra các ấp khác trong xã, xã khác trong huyện và trở thành mô hình điển hình của tỉnh. Hay như việc manh nha làm cảnh quan môi trường ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, để xây tự tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, rồi giờ đã được nhân rộng ra toàn huyện, tỉnh, cũng là do người dân chủ công xây dựng.

Sự ý thức của mỗi người dân trong việc cùng xây dựng và giữ gìn danh hiệu văn hóa trong mỗi gia đình, góp phần giữ vững danh hiệu văn hóa của xã, ấp, khu vực,…, đã cùng làm nên thành tích chung của tỉnh.

Chất lượng nâng lên

Những ngày qua, công tác bình xét nhiều danh hiệu trong đó có danh hiệu gia đình văn hóa được tiến hành ở các khu dân cư trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 183.317 hộ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,2%. Con số này dao động qua mỗi lần bình xét, theo hướng bám sát các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa. Là người trực tiếp tham gia đợt bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư lần này, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho rằng, người dân càng ý thức, việc bình xét càng đi vào thực chất. Trong những buổi bình xét, họ góp ý, nhận xét rất thẳng thắn và cung cấp thêm nhiều thông tin, chúng tôi chắt lọc và rút nhiều kinh nghiệm hay.

Cùng với đó, các ngành, các cấp tạo thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân tham gia, nâng cao kiến thức về gia đình, về an toàn giao thông, về cách nấu những bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương… Chị Trần Thị The, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết, gia đình chị được chọn tham gia nhiều hội thi, từ đờn ca tài tử đến hội thi về gia đình với văn hóa giao thông, gia đình toàn năng. Mỗi lần như vậy, từng thành viên trong gia đình thấy gần gũi, gắn kết với nhau hơn và có thêm nhiều kiến thức, qua những cuộc gặp gỡ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, để chăm chút cho gia đình mình ngày một tốt hơn.

Không chỉ vậy, ở mỗi địa phương tùy theo điều kiện, còn thành lập câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và phòng chống bạo lực gia đình, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Nam giới chia sẻ công tác, san sẻ việc nhà cùng nữ giới” cho công chức, viên chức, người lao động…

Không chỉ bấy nhiêu đó, cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp được phát động đến 100% hộ gia đình. Đây là một cuộc thi có tác động sâu rộng, góp phần xây dựng, nâng cao ý thức của mọi người, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại. Cuộc thi này cũng góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa một cách thiết thực.

Người dân càng quan tâm, chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>