Biên đạo múa Trần Hạnh: Đời lính giúp chị nhiều trải nghiệm

15/09/2017 | 08:40 GMT+7

Hẹn gặp chị khá khó, bởi chị xoay như chong chóng, hết việc ở cơ quan lại tất bật về nhà, tối dạy múa, rồi còn tranh thủ chạy show. Dù tất bật, nhưng đó là niềm vui tiếp thêm cho chị năng lực để cống hiến.

Biên đạo múa Trần Hạnh (áo xanh) cùng các học trò tại Đại hội TDTT thị xã Ngã Bảy.

Môi trường quân đội nhiều trải nghiệm

Chị mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi thật nhẹ nhàng, nhưng khiến tôi giật mình và vô cùng ngạc nhiên: “Em có biết chị từng là người lính không?”. Rồi như được khơi mạch, chị chậm rãi kể về những ngày tháng ở môi trường quân đội, trong Đội Tuyên văn, thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 8, Mặt trận 979. Từ năm 1981-1984, chị tham gia cách mạng với ước mơ nóng hổi là đem tiếng ca, điệu múa phục vụ chiến sĩ đang chiến đấu trên đất bạn Campuchia. Gian khổ, đói, sốt rét, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tiếng hát vẫn được cất lên, xua tan mọi lo sợ, hun đúc tinh thần của bộ đội. Hơn 3 năm ở đây, không ít lần chị rơi nước mắt, bởi vì thương bộ đội, căm phẫn trước sự tàn bạo của Pôn Pốt và lặng người trước sự hy sinh của đồng đội. Chị nhớ có lần, đội của chị phải đi bộ hơn 1 ngày để biểu diễn phục vụ bộ đội đang đóng quân trên một ngọn đồi, diễn xong lại tất tả lội bộ trở về. Chưa kịp về đến đơn vị, đã nghe thông tin tất cả anh em trên ngọn đồi ấy đã hy sinh. Hay khi vào thăm nơi điều trị cho bộ đội bị thương, chị nghẹn ngào hát cho một anh thương binh mù mắt, cụt cả hai tay vì anh ấy gọi chị lại, nói sao giọng của chị giống chị hai của anh, rồi yêu cầu chị hát cho anh nghe một bài hát…

Tất cả những kỷ niệm đó đã theo suốt chị đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, mắt chị vẫn còn rưng rưng niềm xúc cảm. Chị chia sẻ, đó chính là những trải nghiệm giúp ích chị rất nhiều cho nghề nghiệp. Chị tự nhận mình dàn dựng những tác phẩm múa về mẹ, về bộ đội sẽ hay hơn rất nhiều, bởi chị mang những trải nghiệm thật của mình, gởi gắm tình cảm, tâm tư của mình vào tác phẩm. Những năm tháng sống trong môi trường quân đội đã rèn cho chị một tác phong nhanh nhạy và luôn khao khát học tập để khẳng định mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì thế, dù cuộc sống có cực khổ, có phải lăn lộn để tồn tại, chị vẫn giữ được phong cách, tác phong và tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước…

Chăm bồi cho những tài năng

Quê ngoại chị ở Rạch Gòi (huyện Châu Thành A), nhưng chị sinh ra và sống khoảng thời gian tuổi thơ ở An Giang. Đến sau năm 1975, gia đình chị mới về sống tại quê ngoại. Sau đó, chị đi bộ đội, xuất ngũ về làm việc ở An Giang, Đồng Tháp…, cuối cùng mới trụ lại ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) Ngã Bảy cho đến hôm nay. Khi về đây, chị đã bắt đầu với công việc của một tuyên truyền viên của đội tuyên truyền lưu động. Chị được tạo điều kiện khai thác hết tài năng của mình, trở thành người đa năng, có thể hát, múa, dàn dựng, viết kịch bản và cả đọc lời bình. Chị nói cái gì người ta làm được, mình cố gắng cũng sẽ làm được. Rồi chị được tạo điều kiện đi học các khóa tập huấn ngắn hạn, dài hạn về aerobic, dance sport, múa, viết kịch bản sân khấu… Những kiến thức cộng với trải nghiệm cùng sự ham học hỏi đã giúp chị phát huy ở nhiều lĩnh vực, trở thành người đa năng.

Mới đó, đã 20 năm chị gắn bó với Ngã Bảy, cũng là khoảng thời gian chị chăm bồi cho Câu lạc bộ múa Hoa Nắng của mình ngày thêm đông đúc, xôm tụ. Lớp học trò này lớn lên, lớp học trò khác tiếp nối. Mỗi tối thứ hai, tư và sáu hàng tuần với khoảng 30 em theo học. Rồi chị còn đảm nhận vai trò đội trưởng đội tuyên truyền lưu động, luôn sẵn sàng cho mỗi đợt tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương cũng như tham dự hội thi tuyên truyền lưu động hàng năm do tỉnh tổ chức… Chị còn tất bật với quán nước mưu sinh ở trước Trung tâm VHTT-TT thị xã. Ngoài ra, chị còn tranh thủ dàn dựng những tiết mục múa hoặc cả chương trình cho các đơn vị, sở, ngành tham gia cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc.

Cuộc sống tất bật, nhưng mang lại cho chị rất nhiều niềm vui. Rồi sự cảm thông, chia sẻ công việc từ người chồng hết mực yêu thương vợ, của người con trân quý sự hy sinh của mẹ cho nghệ thuật… Tất cả là động lực để chị cống hiến.

Với chị, được sống với niềm đam mê, được chia sẻ kinh nghiệm, truyền nghề, truyền lửa cho thế hệ trẻ là niềm vui và hạnh phúc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>