Những người chuyển hàng lên núi cao ở Slovakia

05/05/2021 | 08:53 GMT+7

Ở dãy núi cao Tatra thuộc Slovakia, những người khuân vác hàng hóa với trọng lượng cả trăm ký trên lưng vẫn đều đặn đi trên những con đường mòn hiểm trở, cung cấp hàng hóa cho các trạm dừng chân trên núi.

Những người khuân vác hàng hóa lên núi cao hàng nghìn mét vẫn xuất hiện ở Slovakia. Nguồn: BBC

Dãy núi cao Tatra nằm dọc biên giới Slovakia và Ba Lan, nơi du khách có thể thưởng ngoạn những khu rừng tuyệt đẹp với hệ động thực vật phong phú. Dọc đường trên núi có những lều, nhà gỗ nhỏ làm trạm trú chân hoặc nơi nghỉ ngơi cho người leo núi. Khi cần những nhu yếu phẩm trong suốt quá trình ở lại đây, đã có những người giao hàng sẵn sàng vượt qua những đường mòn hiểm trở để mang đến đây thứ họ cần, đó là những sherpas. 

Sherpas - những người chuyển hàng núi thường đeo trên vai khung gỗ chất đầy hàng hóa, mang giày đinh hoặc giày trượt để vượt qua vùng băng tuyết và sườn dốc. Chỉ riêng cái khung gỗ dùng chất hàng và dây đeo vai, thắt lưng đã nặng khoảng 8kg. Còn hàng hóa có thể là đồ ăn, nước uống, nhiên liệu và nhiều vật dụng khác cần khi leo núi, tổng trọng lượng có thể tới 100kg. Vậy mà bất kể thời tiết mùa đông nhiệt độ xuống tới -200C hay mùa hè nắng nóng, họ vẫn cung ứng đều đặn hàng hóa trên núi xa xôi.

Mỗi điểm dừng trên núi thường có tối đa 8 người giao hàng trông coi và chuẩn bị vật dụng, cung cấp thức ăn, nhiên liệu, dụng cụ sưởi ấm. Mùa hè có khoảng 60 người còn mùa đông chỉ có một nửa trong số này làm việc. Một trong những người vận chuyển hàng hóa lớn tuổi nhất, ông Peter Petras, 75 tuổi, vẫn còn giao hàng lên núi 5-6 chuyến mỗi tuần. Trong khi độ tuổi trung bình của những người làm nghề này là từ 17 đến 79 tuổi. Theo ông, đây là một công việc nguy hiểm vì địa hình hiểm trở, tai nạn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Người vận chuyển cần có sức bền, khả năng thăng bằng tốt và kinh nghiệm để xử lý các tình huống có thể ở những chặng đường lên núi kéo dài từ 2 tiếng đến 8 tiếng đồng hồ tùy theo tình hình thời tiết.

Từng rất phổ biến ở các vùng núi cao ở châu Âu từ thế kỷ 18, nghề này đã dần mai một khi tại một số vùng núi đã có cáp treo và đường sá thuận lợi. Tuy nhiên, ở núi Tatra, vì các công trình xây dựng bị hạn chế tối thiểu để giữ lại môi trường tự nhiên cho khu bảo tồn nơi đây, công việc khuân vác bằng sức người vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay như là phương thức vận chuyển hàng hóa chủ yếu lên núi.

T.NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>