Người “giữ lửa” cho nghề vẽ áp phích phim

15/11/2018 | 09:12 GMT+7

Hiện nay, trên thế giới số rạp phim còn sử dụng áp phích vẽ tay để giới thiệu phim mới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ở thành phố Đài Nam, Đài Loan chỉ còn một rạp phim duy nhất còn duy trì loại hình này.  

Nhiều người cho rằng những bức áp phích vẽ tay hấp dẫn và sống động hơn hình in hàng loạt. Nguồn: BBC

Áp phích giới thiệu phim gần như xuất hiện cùng lúc khi phim ảnh ra đời. Khi những bộ phim câm được chiếu vào những năm 1910, các rạp phim đã thuê những họa sĩ vẽ minh họa và thu hút được sự chú ý của khán giả ngay cả khi họ chưa bước chân vào rạp. Thập niên 1940, các hãng phim Hollywood bắt đầu in và gởi các áp phích quảng cáo, nhưng thời điểm đó giá thuê họa sĩ vẫn rẻ hơn so với các bản in cỡ lớn nên nghề này vẫn còn “đất” sống. Riêng tại Bollywood, kinh đô điện ảnh của Ấn Độ, đã từng thuê 300 họa sĩ để vẽ tranh tại các rạp. Hình ảnh các bức áp phích kiểu cổ điển này còn có mặt ở Thái Lan, Philippines, Myanmar… cho đến cuối những năm 1990. Nhưng hiếm nơi nào nghệ thuật này lại phát triển như ở Đài Loan, nơi những tấm áp phích sơn dầu cao vài mét được dựng lên trước rạp phim từng là một trong những điểm nổi bật nhất trên đường phố. Trong thời hoàng kim của những bộ phim kung-fu thập niên 1970, có hơn 700 rạp chiếu phim ở Đài Loan và mỗi rạp phim đều có họa sĩ riêng.

Giữa thời kỳ bùng nổ của công nghệ in ấn và nhiếp ảnh phát triển như hiện nay, Chin Men là rạp phim duy nhất ở thành phố Đài Nam, Đài Loan còn quảng cáo phim bằng những tấm áp phích vẽ bằng tay. Người họa sĩ 66 tuổi làm việc tại rạp phim suốt 48 năm qua là ông Yan Jhen-Fa. Dù chưa từng gặp một ngôi sao điện ảnh bằng xương bằng thịt, nhưng ông vẽ họ nhiều đến không thể đếm hết. Ông thường mất 2-3 ngày để hoàn thành một bức áp phích khổ lớn, được ghép từ 6 tấm bạt nhỏ có chia ô vuông cẩn thận. Nếu áp phích có sẵn ông chỉ cần vẽ phóng lớn lên. Nếu không có, ông cần xem phim và sau đó vẽ phù hợp với nội dung nhưng vẫn theo phong cách riêng. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông Yan vẽ đến 100-200 tấm áp phích mỗi tháng cho rất nhiều rạp khác nhau.

Trong những thập kỷ gần đây, sự gia tăng các kênh chiếu phim trực tuyến, đĩa DVD đã khiến nhiều nhà hát phải đóng cửa. Công nghệ in ấn phát triển và chi phí thấp hơn nên những rạp phim dần cắt giảm áp phích vẽ tay truyền thống. Chỉ một số ít rạp phim ở Đức, Hy Lạp, Philippines và Đài Loan vẫn duy trì loại hình này. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ cách vẽ tay vì cho rằng chúng sống động và sáng tạo hơn hình ảnh in hàng loạt. Hiện nhờ những tấm áp phích đặc biệt này mà rạp phim Chin Men đã trở thành địa điểm được nhiều người biết tới ở thành phố Đài Nam.

Qua nhiều năm chứng kiến đồng nghiệp dần bỏ nghề, ông Yan quyết định dành 4 năm hướng dẫn học viên, dù thị lực ông đã giảm sút sau thời gian dài vẽ tranh. Mỗi cuối tuần có 10-15 người tham gia lớp hướng dẫn của ông tại một bãi đậu xe. Tuy không biết có ai trong số các học trò sẽ theo nghề này lâu dài không nhưng ông Yan luôn dạy cho họ tinh thần kiên trì, không nản chí và xem mỗi bộ phim mới là cơ hội để thể hiện tài năng, thu hút sự chú ý của mọi người.

THIÊN NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>