Nghệ thuật vẽ tranh trên nước

21/07/2020 | 06:19 GMT+7

Ebru là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ mà họa sĩ thay vì vẽ lên giấy hay vải sẽ đi những đường cọ lên mặt nước.

Họa sĩ Garip Ay vẽ tranh trên mặt nước. Nguồn: GARIP AY BLOG

Để tạo được tác phẩm như vậy, trước hết cần sử dụng một loại chất thấm ướt có nguồn gốc tự nhiên để màu vẽ không bị chìm xuống nước và họa sĩ có thể tự do vẩy màu, quét, xoáy, tạo hình theo ý muốn. Cọ vẽ cũng được chế tạo thủ công dành riêng cho người vẽ Ebru với phần thân cọ làm bằng cành hoa hồng, đầu cọ làm bằng lông ngựa để giữ màu nước nhiều hơn.

Theo các ghi chép được lưu truyền lại, Ebru du nhập từ Iran vào Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 500 năm trước. Eb nghĩa là nước còn Ru là bề mặt nước. Các chủ đề của các tranh vẽ thường gắn liền với đức tin, truyền thống của đất nước, các họa tiết hoa, lá, nhà thờ… Sau khi hoàn thành trên mặt nước, tranh mới được in qua các vật liệu khác như giấy hoặc vải. Ngày xưa, họa sĩ vẽ Ebru học môn này thông qua hình thức truyền miệng hoặc làm người học việc cho các họa sỹ khác, mất ít nhất 2 năm để thành thạo những kỹ năng cơ bản. Ai cũng có thể học môn vẽ truyền thống này, không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay sắc tộc.

Hiện nay, họa sĩ Ebru Garip Ay sống tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ là người đã góp phần mang loại hình nghệ thuật này đến với đông đảo công chúng nhờ các tác phẩm mang phong cách mới. Với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, Ay đã ứng dụng để làm các video ghi lại quá trình sáng tác các bức tranh. Ông được mời đến biểu diễn, tham gia hội thảo khắp nơi trên thế giới về Ebru. Trong các video, quá trình sáng tác có vẻ nhẹ nhàng, thư thái, nhưng thật ra đây lại là công việc khá căng thẳng. Bởi trên bề mặt nước rất khó để điều khiển các màu vẽ theo ý muốn, các chi tiết nhỏ nhất cần sự tỉ mỉ và tập trung nhất định. Ngoài ra, sự linh hoạt theo từng chuyển động thay đổi của màu vẽ trên mặt nước cũng quan trọng không kém. Hiện nay, Ebru đang ngày càng phát triển và những họa sĩ như Garip Ay cũng tin tưởng rằng bộ môn nghệ thuật độc đáo này sẽ trở nên phổ biến ở nhiều nơi khác trên thế giới.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Great big story, UNESCO, Garip Ay Blog)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>