Đồng tiền đá khổng lồ trên đảo Yap

07/05/2018 | 14:35 GMT+7

Người dân ở đảo Yap không thể cho những đồng tiền của họ vào túi nhỏ như cách mà mọi người thường làm, bởi nó có thể nặng đến hàng tấn và cao hơn một người trưởng thành.

Đảo Yap thuộc Liên bang Micronesian nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Đảo Yap có mạng lưới rừng ngập mặn và nhiều đầm phá, bao quanh là quần thể san hô lớn. Nhưng cảnh đẹp của một vùng đất hoang sơ không phải là điều thu hút duy nhất ở Yap. Đến đây thì thứ nhất định phải thấy là đồng tiền khổng lồ bằng đá mà đến nay vẫn được sử dụng bên cạnh đồng USD.

Hàng trăm đồng tiền đá kích thước khổng lồ nằm rải rác khắp đảo Yap. Nguồn: BBC

Hàng trăm đồng tiền đá hình dĩa nằm rải rác khắp nơi trên đảo. Mỗi làng trên đảo còn có “ngân hàng” tiền đá, là một khu sân rộng nơi nhiều đồng tiền đá to lớn đặt ở đó vì khó di chuyển sang nơi khác.

Đồng tiền bằng đá đã được sử dụng ở đây trong nhiều thế kỷ, mặc dù không ai biết chắc phong tục này bắt đầu từ đâu. Chỉ biết đồng tiền làm bằng đá vôi, được người Yap đưa về từ quốc đảo Palau cách đó 400km về phía Tây Nam, bởi đảo Yap không có loại đá bền và kim loại quý. Các thủy thủ giàu kinh nghiệm được những người giàu có trong vùng thuê đóng bè vượt biển đến Palau khai thác đá. Ban đầu, đá chạm hình con cá voi, được gọi là đá Rai. Sau khi được sử dụng như một loại tiền tệ, chúng được đổi thành dạng tròn, có lỗ ở giữa để dễ vận chuyển nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.

Nhiều đồng tiền đá đường kính lớn hơn 3m. Nguồn: BBC

Sau khi trở về từ đảo Palau, những người chủ giàu có sẽ giữ những đồng tiền lớn và 2/5 số đồng nhỏ. Những đồng tiền lớn có đường kính lên tới hơn 3m, còn đồng nhỏ cỡ 7-8cm. Một số đồng tiền được đặt tên theo tên của chủ hoặc họ hàng của họ. Giá trị của các đồng tiền đá được xác nhận bằng cách so sánh với tiền vỏ trai. Ví dụ, một đồng tiền đá được chủ ấn định là có giá trị bằng 50 vỏ trai. Sau đó, chúng được sử dụng để trao đổi và mua bán.   

Hiện nay nhiều giao dịch, mua bán được thay thế bằng đồng USD nhưng đối với những trao đổi mang tính phong tục và quyền lợi của người dân thì tiền đá vẫn đóng vai trò quan trọng đối với 11.000 cư dân của đảo Yap.

Mỗi làng đều có “ngân hàng” tiền đá là nơi đặt những đồng tiền lớn không thể mang đi. Nguồn: BBC

Giá trị của tiền đá ngoài phụ thuộc vào kích thước, độ mịn của bề mặt đồng tiền, còn được quyết định bởi lịch sử khai thác và sử dụng của chúng. Đằng sau mỗi lần trao đổi đồng tiền là nhiều câu chuyện về các mối quan hệ trong làng, các xung đột và những lời tạ lỗi… trong nhiều thế kỷ qua. Những chuyện mà chỉ có người dân địa phương mới biết theo lời cha ông kể lại nên chỉ có họ mới xác định được đồng tiền nào có giá trị cao nhất. Thậm chí có những đồng tiền bị vỡ nhưng vẫn có giá trị cao hơn đồng nguyên vẹn.

Hiện người dân trên đảo chỉ thỉnh thoảng mới làm thêm các đồng tiền mới để kỹ thuật không bị thất truyền. Trong gia đình, những đứa con được nhận đồng tiền đá từ cha mẹ như một tài sản lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, sự bền vững của chúng là bằng chứng tiêu biểu cho văn hóa của người Yap.

THIÊN NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>