Bãi rác 2.000 năm tuổi ở thành phố Rome

08/05/2018 | 10:10 GMT+7

Ở gần bờ phía đông của sông Tiber, vùng ngoại ô thành phố Rome, Italia, có một gò đất lớn được cỏ cây bao phủ. Thoạt nhìn nó cũng như một gò đất bình thường, nhưng thật ra đây chính là bãi rác có từ thời La Mã và là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới cổ đại.

Bãi rác chứa những mảnh vỡ bình gốm được sắp xếp ngay ngắn theo hình bậc thang. Nguồn: AMUSING PLANET

Monte Testaccio có diện tích khoảng 20.000m2 và cao 35m, kích thước vào thời cổ đại có thể còn lớn hơn con số này. Bãi rác là nơi chứa các mảnh vỡ bình gốm mà người xưa dùng để đựng dầu ô liu. Người ta ước tính bãi này gồm những mảnh vỡ còn lại của 53 triệu bình gốm, dùng đựng khoảng 6 tỉ lít dầu ô liu. 

Vào thời cổ đại, các bình gốm là vật chứa chủ yếu trong vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Chúng được sản xuất hàng loạt vì tốn ít chi phí và thường được tái chế hoặc phá hủy khi hoàn thành việc vận chuyển. Nhiều bình gốm được tái sử dụng làm chậu hoa, ống thoát nước. Những bình gốm vỡ được đập thành nhiều mảnh nhỏ hơn và trộn với bê tông để làm vật liệu xây dựng. Nhưng những bình gốm từng đựng dầu ô liu thì không thể tái chế được vì chúng bị thấm dầu nên bị dính và có mùi hôi. Cuối cùng chúng bị thải ra tại bãi này.

Monte Testaccio không phải là một bãi rác lộn xộn, bừa bãi mà được thiết kế và sắp xếp cẩn thận. Các cuộc khai quật cho thấy, những mảnh vỡ xếp ngay ngắn thành bức tường và nâng cao thứ tự theo hình bậc thang. Có thể người ta đã chở những bình còn nguyên đến bằng lừa, đập vỡ và sắp xếp lại tại chỗ, sau đó còn rải vôi xung quanh các mảnh vỡ để trung hòa mùi dầu hư.

Số lượng lớn các mảnh vỡ ở bãi rác thời cổ đại Monte Testaccio cho thấy nhu cầu sử dụng dầu khổng lồ ở Rome, lúc bấy giờ là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với dân số ít nhất 1 triệu người. Nhiều mảnh vỡ bình gốm vẫn còn in con dấu của nơi sản xuất, chữ khắc thông tin về lượng dầu chứa, nơi đóng bình, nơi xuất khẩu. Những thông tin này cho các nhà nghiên cứu biết thành phố Rome nhập số lượng dầu ô liu nhiều nhất vào cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên khi có đến 130.000 bình gốm được đưa đến khu vực này mỗi năm, ước tính khoảng 7,5 triệu lít dầu ô liu.

THIÊN NGỌC (Theo Amusing Planet)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>