Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc

11/07/2019 | 17:11 GMT+7

Sáng ngày 11-7, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn viễn thông Trung Hưng (ZTE) Lý Tự Học và lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Datatang Trương Tử Tân.

Tại cuộc tiếp, lãnh đạo Tập đoàn ZTE cho biết, được thành lập vào năm 1985, ZTE đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông toàn cầu. Tập đoàn ZTE đã thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam năm 1998 với 250 nhân viên, trong đó 80% là người Việt Nam. ZTE hiện đang hợp tác với các tập đoàn, công ty của Việt Nam như Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnam Mobile.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện có môi trường chính trị, xã hội ổn định, hệ thống luật pháp đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa Tập đoàn ZTE với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam; đề nghị tiếp tục phối hợp, trao đổi chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy hoạt động hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thị trường thông tin viễn thông Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nơi mà mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Pháp luật Việt Nam cũng đã ban hành Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, vì vậy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông phải tuân thủ pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu; đề nghị các doanh nghiệp cần chú ý bảo đảm an toàn dữ liệu cho khách hàng bởi đây là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Datatang Trương Tử Tân bày tỏ vinh dự được gặp Chủ tịch Quốc hội; cho biết tập đoàn hiện có 8 công ty con, đồng thời đã thiết lập công ty con tại Silicon.

Tập đoàn hiện đang hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo với các ứng dụng như lái xe tự động, sản xuất thông minh, nhà thông minh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong xu thế chung, Việt Nam và các nước cùng quan tâm tới công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thu thập dữ liệu lớn giúp nâng cao năng lực quản trị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử. Quốc hội Việt Nam từng bước hoàn thiện các chương trình phần mềm mới để ứng dụng. Dù đây mới chỉ là bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng Quốc hội điện tử nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Trung Quốc tham gia vào nhiều lĩnh vực nhất là công nghệ số để phục vụ phát triển đất nước. Các doanh nghiệp cần tăng cường khảo sát thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, qua đó nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư. Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, với tính tương thích ngày càng cao với luật pháp quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật của Việt Nam.

lTrước đó, cũng tại Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, như: Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc; Tập đoàn Alpha King; Công ty hữu hạn Tín Thác Bình An thuộc Tập đoàn Bình An; Tập đoàn hợp tác kinh tế, kỹ thuật quốc tế Giang Tây; Tập đoàn khoáng sản và xây dựng Giang Tây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh; đồng thời cho biết, mục đích chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước, thỏa thuận cấp cao hai nước đã đạt được trong các cuộc tiếp xúc thời gian qua.

Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp; thông báo với Chủ tịch Quốc hội về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiềm lực trong các lĩnh vực bảo hiểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng… với việc áp dụng công nghệ hiện đại gắn với bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện có môi trường chính trị, xã hội ổn định, hệ thống luật pháp đầy đủ về đầu tư nước ngoài và đang tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở thực hiện các cam kết quốc tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động tại Việt Nam.

Năm 2018, Việt Nam duy trì tăng trưởng cao đạt 7,08%; trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Trong sự tăng trưởng đó, có sự đóng góp đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, điều quan trọng là phải bảo vệ môi trường, bởi đây là điều mà Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá, Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm các nước nhanh nhất của thế giới. Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để tiếp tục phát triển hơn nữa. Vì thế, lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang tiến hành khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư và xúc tiến việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Cho rằng, các doanh nghiệp tại cuộc gặp mặt đều là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hiện nay, Việt Nang đang có chính sách thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm trên cơ sở có chọn lọc các dự án hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ hiện đại. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chí này thì hoàn toàn có thể dự thầu và tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Theo VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>