Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

31/05/2017 | 08:31 GMT+7

Nguyễn Thị Bé Ngoan (15 tuổi) ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, là một trong những học sinh của Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh tìm được công việc phù hợp sau khi học nghề. Với công việc hiện tại, Ngoan rất vui mừng vì có thể kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Tạo được công ăn, việc làm ổn định cho người khuyết tật như Bé Ngoan không phải là chuyện dễ dàng...

Ngoan bị khiếm thính bẩm sinh, từ lớp 1 đến lớp 5 Ngoan theo học tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Trong thời gian ở trường, em được học nghề may công nghiệp. Sau khi ra trường, Ngoan được một cơ sở may tư nhân ở gần nhà nhận vào làm. Ngoan chia sẻ: “Mỗi tháng, em được tiền công 2 triệu đồng, đó là số tiền lớn. Em nhớ, sau khi học may về, em rất buồn vì không xin được việc, mọi người rất ngại nhận người khuyết tật như em vào làm do giao tiếp khó khăn, nhưng giờ em có việc làm rồi, có tiền đưa mẹ. Em cảm ơn cô chú ở tiệm này nhận em vào làm”.

Mỗi ngày, Ngoan làm việc 8 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (mẹ Bé Ngoan, người đứng), cho biết: “Ngoan đi làm đã được 5 tháng nay, công việc của cháu là vắt sổ áo. Từ ngày đi làm đến nay, cháu đã dành dụm tiền lương của mình sắm được 5 phân vàng 24K. Từ khi con được nhận may, tui theo suốt để làm “phiên dịch”.

Cùng với Bé Ngoan, Trần Văn Khang (khiếm thính), cũng được nhận vào cơ sở may này. Khang chia sẻ, từ ngày có việc làm, em cười và vui nhiều hơn, ba mẹ cũng vui.

Với những người khuyết tật, học được một nghề là cả hành trình gian nan, đầy thử thách. Sự truyền đạt diễn ra rất chậm, giáo viên đứng lớp phải hiểu ngôn ngữ ký hiệu hoặc có người theo sát giải thích, ra dấu bằng tay cho các em.

Bé Ngoan và Khang là 2 trong 18 học sinh của Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh được học nghề may công nghiệp trong chương trình dạy may cho người khuyết tật. Lớp đào tạo nghề được tổ chức năm 2016, nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia lao động, hòa nhập cộng đồng. Kết quả có 16 học sinh được cấp giấy chứng nhận.

Nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh được hỗ trợ nhiều máy may, máy vắt sổ. Có được dụng cụ dạy nghề sẽ tạo thêm điều kiện, để học sinh khuyết tật được học nghề, có cơ hội tìm kiếm được việc làm, tự nuôi sống bản thân sau khi ra trường.

Dù cộng đồng rất quan tâm, nhưng thực tế rất ít trường hợp người khuyết tật kiếm được việc làm và thu nhập khá như Bé Ngoan. “Em sẽ cố gắng giữ công việc này, em không ngại cực khổ, mà em sợ cô chú không nhận mình làm việc vì em bị điếc…”, Ngoan chia sẻ. Toàn tỉnh có trên 9.700 người khuyết tật. Trong đó, có 5.747 người khuyết tật vận động, 1.421 người khuyết tật nghe nói, 1.029 người khuyết tật nhìn, 1.692 người khuyết tật thần kinh và việc tạo công ăn việc làm, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng đang là vấn đề trăn trở của nhiều cấp, nhiều ngành !

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>