TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Trợ giúp pháp lý

19/05/2020 | 07:57 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý ?

Trả lời: Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý quy định:

1. Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này;

 b) Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật này;

 c) Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

  2. Trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

3. Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 của Luật này thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

Hỏi: Khi xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm như thế nào ?

Trả lời: Điều 42 Luật Trợ giúp pháp lý quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan: Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Hỏi: Trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý ?

Trả lời: Theo Điều 43 Luật Trợ giúp pháp lý quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư:

1. Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của luật này.

2. Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của luật này.

Hỏi: Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào ?

Trả lời: Theo Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:

 1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:

a) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;

b) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;

d) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.

2. Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính khác trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của luật này. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Hỏi: Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp khi thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý được giải quyết như thế nào ?

Trả lời: Điều 46 Luật Trợ giúp pháp lý quy định giải quyết tranh chấp:

1. Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.           

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>