TÌM HIỂU PHÁP LUẬT: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

10/09/2020 | 06:02 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Cho biết thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án ?

Đáp: Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

- Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

- Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

- Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:

+ Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

+ Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.

- Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Hỏi: Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án?

Đáp: Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

- Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

- Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

- Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Hỏi: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung gì? Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án ?

Đáp: Theo Điều 34, 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên Tòa án ra quyết định;

+ Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

+ Họ, tên, địa chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

+ Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

+ Căn cứ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

- Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

+ Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

+ Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

+ Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>