Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trồng trọt

19/09/2019 | 08:20 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì trong việc sử dụng giống cây trồng ?

Đáp: Điều 32 Luật Trồng trọt quy định tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có quyền sau đây:

+ Được cung cấp đầy đủ thông tin về giống cây trồng và hướng dẫn sử dụng giống cây trồng;

+ Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

+ Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng công bố;

+ Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện hậu quả xấu do giống cây trồng gây ra phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân cung cấp giống cây trồng và chính quyền địa phương để xử lý.

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ gì trong việc sản xuất, buôn bán giống cây trồng ?

Đáp: Theo khoản 2 Điều 35 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện đầy đủ quy định  tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng; có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng;

- Thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật;

- Thu hồi, xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc vật liệu nhân giống, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng;

- Thực hiện dán nhãn đối với giống cây trồng biến đổi gen theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải đảm bảo điều kiện gì ?

Đáp: Điều 41 Luật Trồng trọt quy định điều kiện sản xuất phân bón như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:

+ Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;

+ Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;

+ Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

+ Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;

+ Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

+ Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 05 năm và được cấp lại.

- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền và nghĩa vụ gì ?

Đáp: Điều 51 Luật Trồng trọt quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón như sau:

- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền sau đây:

+ Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;

+ Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.

- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:

+ Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;

+ Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;

+ Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;

+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;

+ Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;

+ Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>