Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trồng trọt

17/09/2019 | 07:50 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hãy cho biết trồng trọt là gì ?    

Đáp: Theo khoản 1 Điều 2 Luật Trồng trọt: Trồng trọt là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp có liên quan đến việc gieo trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn để phục vụ mục đích của con người.

Hỏi: Hãy cho biết hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt được Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư như thế nào ?         Đáp: Khoản 2 Điều 6 Luật Trồng trọt quy định hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt được Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư bao gồm:

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách trong trồng trọt; chọn, tạo giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu sinh vật gây hại và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sinh vật có ích; phát triển phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác và bảo vệ môi trường trong trồng trọt; nghiên cứu khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, công nghệ sau thu hoạch;

- Thu thập, lưu giữ, bảo tồn và khai thác nguồn gen giống cây trồng quý, hiếm, giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; xây dựng ngân hàng gen cây trồng;

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong canh tác, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đảm bảo các điều kiện gì ?

Đáp: Điều 22 Luật Trồng trọt quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

+ Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

- Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.

Hỏi: Hãy cho biết chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như thế nào ?

Đáp: Khoản 3 Điều 25 Luật Trồng trọt quy định chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như sau:

- Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng;

- Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.

Hỏi: Hãy cho biết tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì trong việc nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng ?

Đáp: Điều 30 Luật Trồng trọt quy định tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có quyền sau đây:

+ Đầu tư nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng; điều tra, đánh giá, thu thập, lưu giữ, khai thác nguồn vật liệu nhân giống trong nước hoặc nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng;

+ Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư cho khoa học và công nghệ, chính sách đặc thù cho lĩnh vực, vùng theo quy định của pháp luật;

+ Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng trước khi đưa vào kinh doanh, chuyển giao trong trường hợp nghiên cứu, chọn, tạo, phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý; khi chuyển giao giống cây trồng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và quy định khác của pháp luật có liên quan khi tiến hành nghiên cứu, chọn, tạo, thí nghiệm, khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>