Tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng

25/05/2020 | 07:54 GMT+7

(HG) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh tại điểm cầu Hậu Giang.

Dự tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Đồng thời, cho ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2019 và đầu năm 2020; tình trạng xin lùi, xin rút, trình chậm dự án luật; dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (tại Kỳ họp thứ 10) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021…

Một số đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu đưa vào chương trình hoặc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua một số dự án luật, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Lực lượng trị an cơ sở; Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp; Luật phổ biến kiến thức Khoa học và Công nghệ; Luật về Dịch vụ công, Luật Bảo vệ người làm việc tốt, Luật An ninh về kinh tế…

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Cụ thể, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến các nội dung về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, việc lấy ý kiến Nhân dân trong xây dựng pháp luật; các nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành và nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật ban hành sau; hình thức văn bản quy phạm pháp luật; hiệu lực áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp...

Trên cơ sở ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại đây, Đoàn đã ghi nhận được nhiều lượt ý kiến đóng góp, đa số đều tán thành với nội dung quy định của dự thảo luật; đánh giá cao việc tiếp thu chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, để khắc phục việc trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền tại Điều 30 của luật quy định “UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”, có ý kiến đề xuất sửa đổi theo hướng “UBND cấp tỉnh ban hành quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh hoặc địa bàn huyện trực thuộc; UBND cấp huyện ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp huyện hoặc ban hành quyết định áp dụng tại đơn vị hành chính cấp xã, không giao thẩm quyền UBND cấp xã ban hành quyết định quy phạm pháp luật”.

Tại Điều 112, 116 của luật quy định thời gian đăng tải, lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết và dự thảo nghị quyết “ít nhất là 30 ngày”. Nhưng thực tế cho thấy việc đăng tải lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh không đạt hiệu quả, có rất ít ý kiến góp ý, một số trường hợp không nhận được góp ý nào. Do đó, việc đăng tải lấy ý kiến góp ý tới 30 ngày là không cần thiết, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng rút ngắn thời gian đăng tải lấy ý kiến góp ý (khoảng 15-20 ngày)…

 

GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>