Phải chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai

20/06/2019 | 16:46 GMT+7

(HGO) - Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước để tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, đồng thời triển khai nhiệm vụ thời gian tới, vào sáng ngày 20-6. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Hậu Giang có ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, năm 2018 cả nước xuất hiện 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 15 trận lũ, trong đó lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Mặc dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng, chống và ứng phó nhưng thiên tai vẫn gây thiệt hại năng nề khi có 224 người chết và mất tích; 1.967 ngôi nhà bị đổ, trôi; 31.335 căn bị sập, hư hỏng phải di dời khẩn cấp; 261.377ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng. Đối với tỉnh Hậu Giang, năm 2018 xuất hiện 8 cơn lốc xoáy và nhiều cơn mưa lớn đã làm sập 82 căn nhà dân và tốc mái 119 căn, đổ ngã 838ha lúa Hè thu và 713ha lúa Thu đông, tổng thiệt hại hơn 7 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 27 điểm sạt lở bờ sông, độ mặn đỉnh điểm là 13,5‰.

Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên dự báo tình hình thiên tai năm 2019 tiếp tục diễn biến bất thường và cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật. Nhiều nơi sẽ có mưa cục bộ với cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long; giông lốc, sét thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên taiđây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Tuy nhiên, trước tình trạng diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương không được chủ quan mà phải chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp để công tác phòng, chống và ứng cứu thiên tai đạt được hiệu quả nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, cần tập trung công tác khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân tái thiết cuộc sống ổn định sau khi bị ảnh hưởng; tăng cường hơn công tác truyền thông cho người dân để nâng cao nhận thức, đồng thời việc dự báo, cảnh báo thiên tai phải chính xác và kịp thời. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải có những giải pháp lâu dài trong công tác phòng, chống thiên tai, trước mắt là quản lý lại tình trạng khai thác cát, nước ngầm; tăng cường trồng rừng và nhân rộng các mô hình kinh tế sản xuất hiệu quả cho người dân để tái thiết cuộc sống bền vững hơn...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>