Nhiều đóng góp cho đề án liên quan đến ngành nông nghiệp

11/08/2020 | 19:03 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 11-8, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đơn vị tư vấn, cùng các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo các địa phương của tỉnh để đóng góp bản dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Ông Lê Tiến Châu (đứng), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tổng hợp và bổ sung đầy đủ các ý kiến đóng góp của sở, ngành tỉnh và địa phương vào đề án.

Tại buổi làm việc, ngoài việc cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo đề án mà đơn vị tư vấn trình bày thì nhiều sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã có những đóng góp để nội dung đề án được sát hợp và dễ thực hiện khi được HĐND tỉnh thông qua. Cụ thể, đối với 7 ngành hàng chủ lực được đề xuất thì các địa phương thống nhất với 5 mặt hàng là lúa - gạo, mít, chanh không hạt, cá thát lát và lươn; 2 mặt hàng không đồng tình là cá tra và nuôi vịt đồng. Thay vào đó là bổ sung 3 mặt hàng có thế mạnh tại nhiều vùng trong tỉnh là cây có múi (bưởi da xanh), khóm Cầu Đúc và trồng nấm rơm. Về thực hiện hợp tác xã (HTX) thí điểm thì theo đề án sẽ xây dựng 15 HTX và 3 liên hiệp HTX, vì vậy, trên cơ sở đề xuất 27 HTX từ các địa phương thì xem xét chọn những HTX nào đã đạt từ 5/8 tiêu chí HTX kiểu mới để tiếp tục hỗ trợ, đầu tư nhằm hoàn thiện theo mục tiêu đề án đề ra. Mặt khác, nhiều địa phương cho rằng, giải pháp thực hiện của đề án còn nêu chung chung, chưa cụ thể cho từng ngành hàng; đồng thời cần có khung quy định cụ thể về diện tích, sản lượng cho từng loại cây trồng, vật nuôi để địa phương dễ thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn chưa nêu rõ nội dung được tích hợp về những mặt đã làm được từ 4 đề án trước đó của ngành nông nghiệp nhằm phát huy hơn trong thời gian tới; đồng thời tuy có đưa ra những chỉ số trong mục tiêu cụ thể nhưng chưa cho thấy được những minh chứng để làm cơ sở thực hiện đạt được theo kế hoạch đề ra...

6/8 địa phương của tỉnh đề xuất bổ sung bưởi da xanh vào ngành hàng chủ lực của đề án.

Từ những đóng góp trên, tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị đơn vị tư vấn tổng hợp đầy đủ để bổ sung và sớm hoàn chỉnh nội dung đề án. Trong đó, về chọn ngành hàng chủ lực phải nắm bắt và dựa trên nhu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài; đồng thời nhất trí chọn thực hiện thí điểm 15 HTX và 3 liên hiệp HTX. Trong quá trình triển khai đề án, ngoài nguồn lực là 250 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước thì các ngành và địa phương trong tỉnh cần huy động thêm nguồn vốn từ HTX và doanh nghiệp để thực hiện được nhiều công việc liên quan, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương cần lựa chọn từng nội dung thực hiện vào các năm cho phù hợp với lộ trình của đề án, cũng như rà soát lại việc phân công thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị cho cân đối, phù hợp và tránh chồng chéo,...    

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>