Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang: Phấn đấu dư nợ và huy động tăng trưởng 12%

19/01/2021 | 19:07 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 19-1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng tỉnh năm 2021. Tham dự hội nghị, có Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Thủy, cùng các sở, ban, ngành, lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

NHNN và các tổ chức tín dụng ký giao ước thi đua năm 2021.

Năm 2020, nguồn vốn huy động, tín dụng tăng trưởng tốt, hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Vốn tín dụng hỗ trợ tốt việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, các giải pháp thu hồi, xử lý nợ xấu được triển khai thực hiện tích cực, tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn ở mức thấp theo đúng mục tiêu đề ra. Tổng vốn huy động (bao gồm ngoại tệ đổi VND) toàn địa bàn 15.982 tỉ đồng, tăng trưởng 11,09% so với cuối năm 2019. Vốn huy động đáp ứng được 59,74% cho hoạt động tín dụng. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm ngoại tệ quy đổi VND) toàn địa bàn 26.752 tỉ đồng, tăng 14,37% so với năm 2019. Nợ quá hạn đến 31-12-2020 là 661 tỉ đồng, chiếm 2,47%/tổng dư nợ, nợ xấu chiếm 1,46%/tổng dư nợ.

Năm 2021, phấn đấu vốn huy động tăng trưởng 12%, dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 12% so với cuối năm 2020, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 50-55%/tổng dư nợ, tỷ trọng dư cho vay trung, dài hạn trên 40%/tổng dư nợ, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh đảm bảo tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đánh giá rất cao kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2020. Trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được, có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngân hàng. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại nợ, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, phối hợp với cơ quan thuế thu thuế qua hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân, xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết 42, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Ngành ngân hàng cần quan tâm những hạn chế như, dịch vụ thanh toán tiền mặt, một số chương trình, tín dụng chính sách của tỉnh đặc biệt cho vay nông nghiệp, nông thôn giảm. Năm 2021, đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục phát huy thực hiện tốt tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; đảm bảo các hoạt động các máy ATM, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán; tiếp tục đa dạng hóa một số dịch vụ mới; đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; phối hợp với các ngành trong việc xử lý nợ xấu và cùng chung tay với tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.

Tin, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>