Kiến nghị tăng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

22/10/2019 | 07:41 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 21-10, Đoàn công tác của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) do ông Trần Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh, cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để kiểm tra tình hình triển khai chính sách đầu tư trong lĩnh vực nông thôn mới (NTM).

Ông Trần Anh Dũng (đứng) đề nghị Hậu Giang sớm chọn và giải ngân nguồn vốn đầu tư cho HTX trong năm 2019. 

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 dự kiến gần 17.500 tỉ đồng. Riêng từ năm 2016-2019, hiện tỉnh đã thực hiện được gần 12.700 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ gần 421 tỉ đồng, ngân sách địa phương gần 1.500 tỉ đồng, vốn tín dụng 9.900 tỉ đồng, doanh nghiệp đóng góp 270 tỉ đồng và vận động dân đóng góp 668 tỉ đồng. Từ nguồn vốn trên, tỉnh và các địa phương đã tập trung đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như: cầu, lộ giao thông nông thôn; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; trạm y tế, hệ thống nước sạch; điện sinh hoạt… Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để làm cơ sở cho nông dân nhân rộng. Từ sự đầu tư có trọng tâm và hiệu quả của các nguồn vốn, đến nay toàn tỉnh có 29/53 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời sắp có thêm hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 8,92% (năm 2010) xuống còn 5,53% (năm 2018).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc, nhiều sở, ngành tỉnh và địa phương còn nêu lên những vấn đề khó khăn và kiến nghị với đoàn công tác của Bộ KH&ĐT. Cụ thể, cần xem xét có cơ chế đặc thù để tăng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM của Trung ương cho Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Bởi hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL có địa hình trũng thấp, kênh rạch nhiều nên trong quá trình làm cơ sở hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn so với các vùng khác trong nước. Mặt khác, người dân Hậu Giang còn nghèo do là tỉnh nông nghiệp và mới chia tách nên sự đóng góp của bà con trong xây dựng NTM còn hạn chế. Do đó, Hậu Giang rất cần sự tiếp sức của Trung ương…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ KH&ĐT, cho rằng: Mục đích của chuyến công tác lần này là Đoàn muốn lắng nghe những vấn đề còn bất cập trong thực hiện các chính sách đầu tư về xây dựng NTM của Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Do đó, những vấn đề còn băn khoăn của Hậu Giang và hai tỉnh khác của vùng ĐBSCL mà đoàn tiếp tục làm việc sẽ được ghi nhận. Sau chuyến công tác này, đoàn sẽ có báo cáo và đề xuất với các đơn vị liên quan của Trung ương xem xét có hướng điều chỉnh hay hỗ trợ như thế nào cho phù hợp với điều kiện và tính đặc thù của vùng ĐBSCL trong xây dựng NTM. Qua đây, giúp các tỉnh đạt chỉ tiêu về số xã, huyện đạt chuẩn NTM theo từng giai đoạn mà Trung ương đề ra. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng lưu ý Hậu Giang là trong năm 2019 và 2020, tỉnh sẽ được phân bổ 33 tỉ đồng để hỗ trợ cho hợp tác xã (HTX) đầu tư cơ sở hạ tầng như: làm đường giao thông, trạm bơm điện, đê bao, cống đập (không đầu tư xây dựng trụ sở làm việc)… Trong đó, riêng năm 2019 này, tỉnh được phân bổ 10 tỉ đồng nên Hậu Giang sớm chọn HTX thực hiện và giải ngân nguồn vốn trên từ nay đến cuối năm…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>