Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

Khắc phục tình trạng chậm tiến độ thi công Trung tâm Điện lực Sông Hậu

24/03/2017 | 16:45 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 24-3, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có buổi kiểm tra tình hình thực hiện và tháo gỡ một số khó khăn tại dự án Trung tâm Điện lực Sông Hậu, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (bìa phải) khảo sát tiến độ thi công NMNĐ Sông Hậu 1.

Dự án có quy mô khoảng 355ha, gồm: cơ sở hạ tầng chung và 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, 2 và 3, với tổng công suất 5.200MW. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án, hiện NMNĐ Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn và đã thi công xong nhà điều hành, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước thi công, hoàn thành cảng thiết bị. Tổng vốn đầu tư cho NMNĐ Sông Hậu 1 là 43.000 tỉ đồng. Riêng NMNĐ Sông Hậu 2 (do Tập đoàn Toyo của Malaysia làm chủ đầu tư) và NMNĐ Sông Hậu 3 (do Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào làm chủ đầu tư) đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Dự kiến, NMNĐ Sông Hậu 1 sẽ vận hành vào năm 2019; NMNĐ Sông Hậu 2 có tổ máy 1 sẽ vận hành vào năm 2021, tổ máy 2 vận hành năm 2022; NMNĐ Sông Hậu 3 đang trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch.

Theo Ban Quản lý dự án Trung tâm Điện lực Sông Hậu, hiện tiến độ thi công dự án chậm khoảng 17% (tương đương 12 tháng) so với kế hoạch được duyệt, nhất là chậm ở khâu thiết kế do việc chậm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp hệ thống FGD. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, có một số hạng mục đòi hỏi thời gian thi công dài, phức tạp, nguồn nhân lực và thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu thi công…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị chủ đầu tư sớm có giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ thi công hiện nay để dự án đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch được duyệt, nhằm phục vụ tốt việc cung cấp điện cho miền Nam. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn lao động, không làm thiệt hại tính mạng con người, môi trường sống. Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra và quản lý nhà nước nhằm chống thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư. Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ những khó khăn, đề xuất của chủ đầu tư và địa phương, nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích