Chính sách đối với người có công được Hậu Giang thực hiện tốt

20/06/2019 | 20:20 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 20-6, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, đã có buổi giám sát về thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-3-2019. Tham dự có ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh (Trưởng đoàn giám sát); ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, các hội đặc thù của tỉnh.

Buổi giám sát vào chiều 20-6.

Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nêu rõ, thời gian qua, việc thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống của người có công với cách mạng đạt được những kết quả đáng trân trọng. Hàng năm, dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngày lễ lớn trong năm, đã trao tặng hơn 193.100 phần quà, kinh phí gần 93 tỉ đồng. Chương trình hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tổng số triển khai xây dựng, sửa chữa được 6.060 căn, kinh phí gần 192,2 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện có gần 35.600 người có công với cách mạng, chiếm 3,65% dân số của tỉnh, trong số này có hơn 2.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 124 mẹ. Đối với lĩnh vực xác nhận người có công, từ năm 2016 đến cuối tháng 3-2019, đã tiếp nhận 12.148 hồ sơ các loại, xem xét giải quyết đạt gần 11.000 hồ sơ (trên 90%). Bên cạnh đó, các chính sách về trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, hỗ trợ người có công giải quyết nhà ở, đất ở, các chính sách về ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, y tế, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe… đã nhận được sự quan tâm và thực hiện tốt từ tỉnh đến các địa phương. Được chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hoàn thành tài liệu tuyên truyền các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền các vấn đề liên quan.

Đại diện Ban Văn hóa - Xã hội, cùng các đơn vị, đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương hiện nay, như gia đình chính sách, người có công cầm cố sổ lãnh tiền hàng tháng vẫn còn. Hồ sơ tồn đọng kéo dài được cử tri phản ánh. Các ý kiến cũng đề nghị, sau quá trình cho gia đình chính sách, người có công vay vốn, cần xem xét, khảo sát tình hình sau vay vốn để thấy hiệu quả, chất lượng của chương trình.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, nhấn mạnh, Hậu Giang thực hiện rất tốt các chính sách với người có công, gia đình chính sách, nhất là công tác xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, tình nghĩa. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bao quát toàn diện các hoạt động đối với việc chăm lo cho người có công. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các chính sách liên quan đến người có công cần được chu đáo, chặt chẽ hơn. Đây là những hoạt động tri ân, đáp nghĩa phải làm, để thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương, từng cán bộ, công chức được giao phụ trách phải làm tốt hơn nữa. Là lĩnh vực nhạy cảm, nên cán bộ, công chức được phân công làm nhiệm vụ phải thận trọng, tận tâm, hết lòng, ai sai phạm lĩnh vực này phải xử lý rốt ráo và xử lý ngay. Công tác tuyên truyền phải được làm tốt hơn nữa, để người dân hiểu rõ hơn những chính sách dành cho người có công, nhất là những chính sách mới. Các địa phương phải có kế hoạch quán triệt về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công theo Chỉ thị của Trung ương, các văn bản hướng dẫn của tỉnh. Cố gắng giải quyết tốt hồ sơ tồn đọng, hồ sơ liệt sĩ sai thông tin.

- Trước buổi làm việc này, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội đã có đợt giám sát, làm việc tại các địa phương về các nội dung trên.

Tin, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>