“Vui, buồn” cụm, tuyến dân cư vượt lũ

22/05/2018 | 07:31 GMT+7

Không dừng lại ở việc có chỗ tránh lũ trong mùa nước nổi, mà các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh còn bảo đảm chỗ ở lâu dài cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng lại xảy ra nhiều vướng mắc.

Bài 1: Hàng ngàn hộ dân được an cư

Thời gian qua, Hậu Giang có hơn 3.000 hộ dân vùng ngập lũ đã được bảo đảm an toàn trong những căn nhà tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Mặc dù, nỗi lo về mưu sinh vẫn còn, thế nhưng tình trạng chạy lũ trước đây đã không còn nữa.

Hạ tầng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn chỉnh.

An cư, lạc nghiệp

Trở lại Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chúng tôi cảm nhận được khí thế mới của cuộc sống nơi đây. Những căn nhà được xây dựng kiên cố, giao thông đồng bộ, thông suốt… Ông Nguyễn Văn Dùng, ở Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, vui mừng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ đi làm mướn nên cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhất là vào mùa lũ. Được chính quyền địa phương di dời về nơi ở mới trong cụm dân cư vượt lũ này và từ nguồn vốn vay hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình đã vay mượn thêm nên xây dựng được căn nhà đàng hoàng như bây giờ. Vậy là gia đình tôi, cũng như mấy trăm hộ dân nơi sạt lở của xã không còn phập phồng lo nước lũ đe dọa như trước”.

Hiện nay, vợ chồng ông Dùng đã có việc làm ổn định, lo được cái ăn, cái mặc và có tích lũy để trả dần tiền vay ngân hàng. Không dừng lại ở đó, ông còn dành một khoản diện tích trong khuôn viên ngôi nhà để nuôi trăn kiếm thêm thu nhập.

Tương tự, ở Cụm dân cư vượt lũ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, nhà cửa nơi đây cũng được xây dựng khá kiên cố. Gia đình ông Lý Văn Lãnh, ở Cụm dân cư vượt lũ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, là một trong những người đầu tiên về đây sinh sống. Theo ông Lãnh, đây là năm thứ 5 gia đình ông sống ở đây, tuy không phải “nhà cao cửa rộng” nhưng quan trọng là an toàn. Trước đây, gia đình ông sống ở cặp kênh xáng Xà No, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sạt lở. Ông Lãnh bộc bạch: “Bây giờ, con cái tôi cũng lớn nên đã có thể tự kiếm tiền để lo cho bản thân. Vợ chồng tôi thì cũng đã lớn tuổi nên chỉ ở nhà để trông cháu cho các con đi làm”.

Hạ tầng dần hoàn thiện

Không chỉ nhiều hộ dân an cư, lạc nghiệp mà các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh còn được đầu tư hoàn thành đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Nhắc đến Cụm dân cư vượt lũ xã Đông Phước, huyện Châu Thành, chắc ai cũng không quên được những con đường bị ngập, đóng rong rêu mỗi khi mùa mưa đến. Thế nhưng, có dịp về lại lần này là bộ mặt hoàn toàn khác, những tuyến đường ngập nước ngày nào đã được xây dựng bằng phẳng, việc đi lại của bà con trong cụm thuận tiện vô cùng. 

Nhớ lại cảnh tượng trước đây, ông Trần Tôn, người dân sinh sống ở Cụm dân cư vượt lũ Đông Phước, huyện Châu Thành, kể: “Hồi trước, sau mỗi cơn mưa thì một số đoạn đường bị ứ đọng, nước không tiêu thoát khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể mùi hôi từ cống cứ bốc lên do rác thải sinh hoạt bị tắc nghẽn. Do nước thải ứ đọng lâu ngày nên muỗi, côn trùng cũng phát sinh rất nhiều. Giờ làm được con đường kết hợp cống thoát nước, vỉa hè, chúng tôi thấy mừng vô cùng”.

Ông Huỳnh Mỹ Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do hạ tầng xuống cấp nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Song song đó, do nhu cầu xây dựng nên khi người dân dẫn ống bơm ngang hệ thống cống để san lấp nền đã khiến lượng cát nền rơi vào cống rãnh không được tiêu thoát. Thêm vào đó, do ý thức của người dân chưa cao đã khiến rác rơi vào hệ thống cống khiến cống bị tắc nghẽn. Vì thế, để giải quyết tình trạng trên, cuối năm 2017, UBND huyện Châu Thành cũng tiến hành đầu tư công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống cống và một số tuyến đường chính trong Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Ngã Sáu và xã Đông Phước với nguồn vốn 1 tỉ đồng. Do đó, đến nay vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như việc đi lại của người dân trong cụm cơ bản được giải quyết. Trong thời gian tới, khi tranh thủ được nguồn vốn, địa phương sẽ bố trí để tiến hành nâng cấp các tuyến đường còn lại để ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Không chỉ ở huyện Châu Thành, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thông tin: Trong vài tháng nữa, Cụm dân cư vượt lũ xã Vị Đông sẽ được ngành điện hạ thế thêm một tuyến nữa chạy dọc tuyến đường nội bộ của cụm để giúp người dân sử dụng điện an toàn hơn, tránh tình trạng dây kéo xa, gây mất an toàn như trước.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đã tiến tới chấm dứt tình trạng phải di dời khi có lũ, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân khi lũ về. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ kết hợp với hệ thống giao thông, thủy lợi, cùng với trung tâm xã, trung tâm đô thị thành hệ thống liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, xây dựng hình thành và phát triển các khu dân cư đô thị kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Như nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2008, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Theo Sở Xây dựng Hậu Giang, trong giai đoạn 2, tỉnh tiếp tục được đầu tư thêm 10 cụm, tuyến, bố trí cho 3.707 hộ. Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã hoàn chỉnh 10/10 cụm tuyến. Hiện, chương trình đã giải quyết cho khoảng 3.600 hộ vào ở trong cụm, tuyến dân cư, giúp người dân vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao an cư, lạc nghiệp.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

------------

Bài 2: Nhà vượt lũ bỏ hoang

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>