Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu hoàn thành sớm và toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

01/01/2020 | 22:04 GMT+7

(HG) - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ vừa tiếp tục có cuộc Hội nghị trực tuyến ngày thứ 2 với các địa phương trong cả nước để triển khai Nghị quyết Quốc hội khóa XIV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, có ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV.VN                                                

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII vào đầu năm 2021. Do đó, từng bộ, ngành Trung ương và địa phương không được phép thỏa mãn với những kết quả đạt được mà cần phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân. Đầu tiên là sớm khắc phục những mặt còn bất cập, hạn chế, những vấn đề bức xúc của xã hội được từng bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nêu, nhất là về cơ chế chính sách, pháp luật, tình trạng bạo hành trẻ em, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, đạo đức xã hội… Đặc biệt, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải phát huy tốt 4 bài học và 5 nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề ra tại hội nghị lần này. Mặt khác, từng cơ quan, đơn vị tiếp tục đề ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm và đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang. Ảnh: HỮU PHƯỚC

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị từng bộ, ngành, địa phương cần chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay tạo động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo. Tiếp tục có đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, từ thực tiễn cơ sở, từng địa phương có giải pháp nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả để thực hiện tốt thông điệp mà Chính phủ đề ra là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong sự phát triển chung của đất nước. Ngoài ra, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải chăm lo tết một cách chu đáo cho Nhân dân; đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, người nghèo, trẻ mồ côi…

Như vậy, trong năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương thống nhất đề ra 12 chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Về giải pháp thực hiện, nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có những đề xuất với Chính phủ để xem xét chỉ đạo. Điển hình là tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao và tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường; phát huy vai trò đô thị lớn, tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút các nguồn lực cho phát triển đô thị hiện đại, gắn kết với phát triển khu vực nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của vùng và của mỗi đô thị; có chính sách mới trong liên kết vùng, gấp rút triển khai những công trình trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau cho vùng ĐBSCL…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>