Nhiều đề xuất đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

22/09/2020 | 05:59 GMT+7

(HG) - Chiều ngày 21-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng để xem xét báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đại diện tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tham dự.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đóng góp ý kiến.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 Phù hợp quy hoạch theo Quyết định 356 (về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) và Quyết định 326 (về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Theo phương án này, chiều dài tuyến lớn nhất 141km (gồm 14km trùng cao tốc trục ngang). Tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất 750ha do tận dụng được đường cũ. Tổng mức đầu tư thấp nhất 46.200 tỉ đồng. Tuyến có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (thành phố Sóc Trăng 24km, thành phố Bạc Liêu 25km, thành phố Vị Thanh 35km...), dễ thu hút lưu lượng xe vào đường cao tốc. Hướng tuyến có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân đoạn đầu tư. Để nâng cao hiệu quả khai thác cần cải tạo các cầu hiện hữu tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Phương án 2, Phù hợp quy hoạch theo Quyết định 326 (về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Chiều dài tuyến 138km (gồm 14km trùng cao tốc trục ngang). Diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất 900ha. Tổng mức đầu tư cao nhất 61.000 tỉ đồng. Tuyến có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (thành phố Sóc Trăng 24km, thành phố Bạc Liêu 25km, thành phố Vị Thanh 35km...), dễ thu hút lưu lượng xe vào đường cao tốc. Hướng tuyến có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân đoạn đầu tư.

Phương án 3, theo góp ý của tỉnh Hậu Giang. Chiều dài tuyến ngắn nhất 124km. Diện tích giải phóng mặt bằng 800ha. Tổng mức đầu tư 57.000 tỉ đồng. Kết nối gần về phía thành phố Vị Thanh (10km), xa hơn về thành phố Sóc Trăng (41km), thành phố Bạc Liêu (46km) và các đô thị khác, khó thu hút lưu lượng xe vào đường cao tốc so với các phương án khác. Hướng tuyến ít kết nối vào đường hiện hữu nên phân đoạn đầu tư. Với dự án này, cần xây dựng đường công vụ khi thi công. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn đề xuất chọn phương án 3, bởi khoảng cách ngắn, thuận tiện.

Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đơn vị tư vấn đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thống nhất chọn phương án tuyến theo hướng tuyến 1. Xem xét thống nhất quy mô dự án giai đoạn 1 với mặt cắt ngang 11,25/12,75m (đoạn đi trùng Quản Lộ - Phụng Hiệp, dài 90km), đoạn còn lại là 15,5/17m (dài 51km). Đồng thời đề xuất thống nhất lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có điểm đầu dự án tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (nút giao Chà Và), thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối dự án tại điểm giao với đường Vành Đai 3, thành phố Cà Mau (theo quy hoạch). Đồng thời phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận những đóng góp của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật ủng hộ và đánh giá cao những ý kiến đóng góp xác đáng của các địa phương cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Thứ trưởng đề nghị trước mắt, phải thực hiện theo Quyết định 326 (về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030). Trên cơ sở đó xem xét phương án 1 và phương án 2 xem phương án nào hiệu quả nhất về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đề nghị cụ thể chi tiết hơn việc đầu tư, nói rõ diện tích thu hồi đất, tính kết nối.

KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>