Tác động của đại dịch tới thể thao

11/02/2020 | 10:26 GMT+7

Hoãn, hủy, chờ đợi là những điều mà ngành thể thao đang phải đối mặt trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra.

Nhiều giải thể thao sẽ lùi lịch thi đấu vì dịch bệnh nCoV.

Đại dịch nCoV trở thành thách thức mang tính toàn cầu trên mọi phương diện và thể thao cũng không ngoại lệ. Trong nước đã tạm dừng tổ chức các giải thi đấu thể thao thuộc hệ thống quốc gia và quốc tế trong tháng 2-2020. Thậm chí, kể cả các hoạt động thể thao tại địa phương thu hút đông người cũng cần được cân nhắc kỹ trong khâu tổ chức.

Nhiều giải đấu được người hâm mộ cả nước mong chờ cũng phải dời ngày thi đấu sang đầu hoặc trung tuần tháng 3 như V.League, giải hạng Nhất, Cúp quốc gia… Nhưng nếu nCoV chưa có dấu hiệu tạm lắng, thì chắc rằng các giải sẽ nằm trong chế độ… chờ đợi, gây ảnh hưởng lớn về chuyên môn là không tránh khỏi.

Môn bóng đá được xem là chịu tác động rõ nhất. Khi lùi ngày khai mạc mùa giải mới của những giải quốc nội, khiến các câu lạc bộ gặp khó khăn trong công tác huấn luyện chuyên môn, kinh phí, lương duy trì hoạt động. Riêng huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ phải đau đầu khi có ít thời gian và cơ hội để lựa chọn lực lượng tốt nhất trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Dịch bệnh nCoV đang hoành hành, nên các cầu thủ chuyên nghiệp khi tập luyện, tham gia thi đấu cũng có những cảm giác khó chịu về mặt tâm lý.

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các cầu thủ cần có thời gian làm nóng và tìm lại phong độ. Việc tính toán điểm “rơi” phong độ phù hợp trước thềm những trận đấu quan trọng là vô cùng cần thiết. Nhưng việc chuẩn bị hơi trễ so với kế hoạch có thể ảnh hưởng khá nhiều tới việc phân bổ chiến thuật, bài tập phối hợp và phát huy tối đa yếu tố thể lực. Sau thất bại của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á, cũng chỉ ra những vấn đề báo động, nhất là trong việc nhìn nhận đúng điểm “rơi” phong độ, sự sắc bén nơi hàng công. Ông Park sẽ phải đánh giá và căn chỉnh hợp lý để đảm bảo mục tiêu cao nhất cho đội tuyển Việt Nam.

Ngoài ra, dịch nCoV còn gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giành vé tham dự Olympic Tokyo diễn ra tại Nhật Bản của thể thao Việt Nam. Đây được xác định là đấu trường lớn, quan trọng nhất trong năm, thể thao nước nhà đặt mục tiêu giành từ 15 đến 20 suất chính thức tham dự. Nhưng đến hết năm 2019, mới chỉ có 4 tuyển thủ giành quyền đến Tokyo, hơn 10 suất còn lại được đặt vào các cuộc thi đấu quốc tế ngay từ tháng 2 này.

Tuy nhiên, một số giải đấu tại vòng loại Olympic bị chuyển địa điểm thi đấu hoặc hoãn, thậm chí không biết khi nào mới tổ chức. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến các đội tuyển quốc gia khiến kế hoạch chuẩn bị của thể thao Việt Nam cho Thế vận hội chịu tác động khá nghiêm trọng. Sự thay đổi này khiến ban huấn luyện thực sự bối rối khi lên kế hoạch tập luyện, chuẩn bị bước kế tiếp.

Nhưng đây là khó khăn chung và ngành thể thao sẽ phải đề ra các giải pháp để ứng phó. Để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng, ngành đã chủ động điều chỉnh các kế hoạch tập huấn để tuyển thủ vẫn có sự chuẩn bị tốt nhất, chủ động trong khả năng có thể. Đồng thời, mang hy vọng giành được kết quả như mong đợi trong các cuộc thi đấu khi mọi thứ bình thường trở lại.

Điều quan trọng của ngành thể thao lúc này là đảm bảo sự an toàn cho các vận động viên. Do đó, ngoài hoãn, lùi lịch thi đấu nhiều giải, đối với các đội tuyển thể thao thi đấu, tập huấn nước ngoài trong kế hoạch đã được phê duyệt, Tổng cục Thể dục thể thao yêu cầu đơn vị quản lý cần tính toán lộ trình di chuyển phù hợp; tránh quá cảnh tại các quốc gia có ổ dịch; thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cho vận động viên trước, trong và sau khi đi thi đấu, tập huấn nước ngoài…

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>