Nỗi buồn sân cỏ

12/04/2021 | 17:44 GMT+7

Những vòng thi đấu của giải V-League 2021 trở lại khiến khán giả hân hoan, nhưng kèm theo niềm vui là nỗi buồn, lo, cả thất vọng khi có quá nhiều tình huống bạo lực, phi thể thao trên sân cỏ...

Pha vào bóng thô bạo khiến cầu thủ Hùng Dũng bị gãy chân.

Những ngày qua, hàng loạt trang thể thao của các báo trong nước, mạng xã hội có rất nhiều bài viết về nạn bạo lực sân cỏ, bởi đây là vấn đề đang nóng, làm cho bóng đá Việt có phần chưa được đẹp trong mắt người hâm mộ, dù rằng đa phần những trận đấu là hấp dẫn với nhiều cuộc đọ sức gay cấn.

Trong một thời gian ngắn, người hâm mộ đã phải chứng kiến nhiều pha bóng thô bạo trên sân cỏ, khởi đầu là pha vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh, tại vòng 5 giữa trận CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội FC, đã khiến cho cầu thủ trụ cột của đội tuyển Việt Nam Hùng Dũng gãy cổ chân, phải mất ít nhất 6 tháng để phục hồi, trong khi những giải đấu quan trọng sắp tới rất cần đến anh.

Ngay lập tức, án phạt của VFF là treo giò Hoàng Thịnh đến hết năm nay, nộp phạt 40 triệu đồng và bồi thường chi phí chữa bệnh dành cho cầu thủ này. Ấy vậy, khi khán giả cầu mong không bao giờ chứng kiến những tình huống tương tự như thế trên sân cỏ, thì đã phải thảng thốt khi liên tiếp hàng loạt tình huống thô bạo, phản cảm trong những trận tiếp theo. Tại vòng 6, cầu thủ Thế Hưng (Nam Định) đạp thẳng vào đầu gối của Công Thành (Sài Gòn FC), Hoàng Vũ Samson (Đông Á Thanh Hóa) đạp vào ngực của thủ thành Tuấn Mạnh (SHB Đà Nẵng). Tới vòng 7, lại tiếp tục có pha sút bóng thẳng vào bụng Ibou Kebe (SHB Đà Nẵng) của Việt Anh (Hà Nội FC) dù cầu thủ này đang nằm sân sau va chạm và trọng tài cũng đã thổi còi tạm ngừng trận đấu. Cùng trong trận này, Văn Quyết (Hà Nội FC) có pha đạp thẳng vào đùi Janclesio, làm cho cầu thủ này nằm sân. Nhiều người giật mình nói rằng cầu thủ này vẫn còn may, vì cú đạp không chính diện!… Rồi còn có những pha dùng tay, cùi chỏ đánh thẳng vào mặt của Văn Trung (Hải Phòng), Đức Huy (Hà Nội FC) trong những trận tiếp theo…

Hệ lụy từ những pha bóng xấu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam đã gầy dựng trong những năm qua. Bình luận viên, giới chuyên môn nhận định: Một phần nguyên nhân của những tình huống trên là do thi đấu căng thẳng, mật độ đá dày nên dễ ức chế tâm lý và bộc phát lối chơi quyết liệt quá mức cần thiết. Một nguyên nhân nữa là tính thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ và sự non kém của trọng tài.

Các cầu thủ đã không ý thức phải giữ gìn chân cho đồng nghiệp, không đào tạo bài bản cũng như lĩnh hội về đạo đức nghề nghiệp nên khó vượt qua bản thân khi gặp tình huống nhạy cảm, trận đấu căng thẳng, dễ cai cú, dẫn đến những tình huống khó chấp nhận. Còn trọng tài phân tích để đưa ra quyết định chưa kịp thời, không hợp lý…

Từ cuối mùa giải năm trước đến đầu mùa giải này, VFF đã sửa đổi  quy định xử phạt các vi phạm theo hướng nghiêm khắc, đặc biệt với hành vi xâm phạm thân thể. Ngoài ra, những cầu thủ phạm lỗi nghiêm trọng, dù bị hay không bị phạt trên sân, vẫn nhận thêm án phạt “nguội”. Vấn đề này sẽ tiếp tục được VFF đặc biệt quan tâm. Đây là một cách để giảm hành vi bạo lực sân cỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng án phạt vẫn còn rất nhẹ, cần phải phạt thật nặng để các cầu thủ không dám nghĩ đến việc chơi xấu. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ cũng cần thay đổi tư duy làm bóng đá, đề cao đạo đức cầu thủ nhằm hạn chế thấp nhất bạo lực sân cỏ. Bởi một pha bóng ác ý dù vô tình hay cố ý, đôi khi làm đồng nghiệp của mình phải giã từ sân cỏ. Điều này đã từng xảy ra ở mùa giải 2015 và vẫn được nhắc lại rất nhiều trong những ngày vừa qua…

Người hâm mộ đã nêu nhiều ý kiến về thực trạng này, đều cho rằng cần đặc biệt tăng cường giáo dục các cầu thủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp và đội bóng, phải biết xây dựng cho mình một lối đá đẹp, thương cho đôi chân của đồng nghiệp mình, nhất là lớp trẻ, nghiêm khắc kỷ luật với các cầu thủ có biểu hiện lệch chuẩn…

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>