Giúp “lân sư rồng” vươn tầm

02/02/2021 | 05:16 GMT+7

Giải vô địch lân sư rồng quốc gia lần thứ VIII năm 2021 do Hậu Giang đăng cai khép lại vào cuối tuần qua, mang đến nhiều kỳ vọng về sự vươn tầm cho phong trào lân sư rồng cả nước, khi các đội đều đầu tư chỉn chu, trẻ hóa lực lượng, sáng tạo trong bài biểu diễn...

Phần thi múa rồng 9 khúc.

Nhiều đội mạnh tham gia

Ông Phạm Phi Liếp, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lãnh đạo Đoàn lân sư rồng Hậu Giang tham gia giải, cho biết: “Tỉnh đã nhiều năm tham gia giải nhưng thành tích khá khiêm tốn. Năm nay, với hai đại diện góp mặt, mang về 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, giành vị trí nhì toàn đoàn đối với chúng tôi là khá bất ngờ, vui mừng, phấn khởi. Tạo động lực, tiền đề cho việc xây dựng và phát triển phong trào lân sư rồng ở Hậu Giang trong thời gian tới”.

Kết quả này còn cho thấy sự chuyển mình của phong trào lân sư rồng tỉnh nhà, khi đạt thành quả “bội thu” qua một quá trình dài duy trì và phát triển. Giải có nhiều đội mạnh đến từ các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang,… tham gia. Trong khi Hậu Giang không có đội lân sư rồng tuyến tỉnh mà chủ yếu là ở các địa phương, mang tính chất phong trào, tự phát. Họ là người dân lao động, học sinh nhưng đến với lân sư rồng và giải đấu bằng tâm thế chủ động, háo hức, đầy quyết tâm.

Theo nhận định từ Ban tổ chức, các đoàn đều có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu trong trang phục, đạo cụ đến kỹ thuật biểu diễn. Đặc biệt, hướng đến việc trẻ hóa đội hình mang tính đột phá (chiếm trên 90% các đội tham gia), nhưng vẫn khẳng định được sức mạnh, tiềm năng vốn có. Các phần thi đã truyền tải gần như trọn vẹn ý nghĩa thông điệp mà Ban tổ chức mong muốn; có điểm nhấn và sự thu hút trong bài múa; đầy tính sáng tạo làm nên những nét chấm phá riêng. Giúp người xem đi từ cảm giác hồi hộp đến bất ngờ, vẽ nên một bức tranh tổng thể đầy màu sắc.

Mai hoa thung - một trong những phần thi khó, hấp dẫn, ấn tượng nhất tại giải khi vận động viên phải thực hiện động tác múa trên cột trụ cao. Để hoàn thành tốt nội dung này đòi hỏi vận động viên phải có yếu tố kỹ thuật tốt, tập dợt kỹ lưỡng trong từng chi tiết. Đặc biệt, cần giữ được sự bình tĩnh, tự tin, khéo léo, nhanh mắt, độ bền, chính xác lúc thi đấu. Vận động viên Võ Hoàng Tánh, đơn vị Bình Dương, giành huy vàng nội dung mai hoa thung nam, cho biết: “Muốn hoàn thành được phần thi mai hoa thung chưa bao giờ dễ dàng, quan trọng là em phải kết hợp ăn ý với đồng đội. Dù khó, nhưng khi thi đấu em luôn tự tin vào bản thân mình có thể làm được. Với em, múa lân là niềm đam mê đã ăn sâu vào máu không thể nào từ bỏ được, nên gian khó thế nào cũng phải vượt qua”.

Trình độ các đội đang xích lại gần nhau

Những phần thi thông thường chỉ kéo dài từ 10 đến 15 phút nhưng người biểu diễn phải tập luyện cả năm mới có thể nhuần nhuyễn. Vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm bài múa hỏng hoặc gây ảnh hưởng đến bản thân trong quá trình thi đấu. Để điệu múa lân đẹp, hấp dẫn, người múa cần thể hiện nhiều động tác tổng hợp uyển chuyển, linh hoạt và biểu lộ được các cung bậc tình cảm. Đằng sau những điệu múa, động tác đẹp mắt của hình tượng lân sư rồng còn ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc.

Võ sư Lương Ấn Đường, Chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng thành phố Cần Thơ, Tổng trọng tài tại giải, chia sẻ: “Múa lân sư rồng không chỉ biểu diễn mà còn cần thể hiện được ý nghĩa, tượng trưng cho cuộc đời của con người vượt qua khó khăn để đạt điều tốt đẹp, góp phần giáo dục nhân cách và đạo đức. Tại giải, có nhiều cá nhân, tập thể tuy còn khá non trẻ nhưng cho thấy tiềm năng, cơ hội tỏa sáng; trình độ các đội đang xích lại gần nhau, thể hiện sự trưởng thành và phá cách trong thi đấu. Mang tín hiệu tích cực để tạo nên đột phá, hướng tới sự vươn tầm cho phong trào lân sư rồng cả nước”. Giải đấu được tổ chức chính là cách để duy trì và phát triển phong trào, bởi những người có đam mê luôn trăn trở làm thế nào để ngày càng mở rộng quy mô và tăng tính chuyên nghiệp.

Do giải diễn ra trong thời gian có dịch Covid-19, nên tỉnh cũng triển khai ngay phương án dự phòng, tạo nên ấn tượng đẹp với các đoàn tham gia về một Hậu Giang mến khách, nghĩa tình. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban tổ chức phải triển khai nhanh phương án hai là hủy lễ khai mạc, không tổ chức bế mạc, dời địa điểm thi đấu từ Công viên Xà No sang Nhà thi đấu đa năng tỉnh để hạn chế người xem. Các đội cũng bắt buộc đeo khẩu trang khi có mặt tại sân thi, không giao lưu, tiếp xúc với nhau và phải ngồi theo cụm, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu… Nhờ đó, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các đoàn tham gia, giúp giải diễn ra thành công”.

Giải năm nay thu hút 23 đội, với khoảng 600 vận động viên đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước góp mặt như thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang… Bao gồm các nội dung thi mai hoa thung lân nam, lân nữ hoặc lân nam, nữ; lân (sư) nhảy bục; lân (sư) leo cột không hái lộc cá nhân và đồng đội; lân (sư) với bài múa tự sáng tác và múa rồng 9 khúc. Thành phố Cần Thơ giành vị trí nhất toàn đoàn; chủ nhà Hậu Giang đoạt giải nhì; đoàn Bình Dương và Đồng Tháp đồng hạng ba. 

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>