Giữ gìn thể thao truyền thống

16/01/2020 | 08:40 GMT+7

Kéo co, đẩy gậy hay múa lân là những môn thể thao thường được tỉnh lựa chọn tổ chức thường niên. Ngoài tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp xuân về, còn là cách để giữ gìn, phát triển thể thao truyền thống của dân tộc.

Múa lân - một môn thể thao truyền thống được gìn giữ qua thời gian, được thành phố Vị Thanh duy trì hằng năm.

Hồi đầu tuần, thành phố Vị Thanh tổ chức hội thao mừng Đảng, mừng Xuân trong đó có hội thi múa lân, thu hút 9 đội đến từ các xã, phường trên địa bàn tranh tài. Hội thi trở thành giải đấu thường niên, mang đến món ăn tinh thần đầy thú vị cho người dân. Đây cũng là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh còn tổ chức hội thi múa lân, tạo nên một nét đẹp riêng.

Ngồi nhâm nhi tách cà phê buổi sáng tại khu văn hóa Hồ Sen, thành phố Vị Thanh - địa điểm diễn ra các màn biểu diễn múa lân của hội thi, ông Nguyễn Thanh Phong, người dân ở phường I, bộc bạch: “Được xem các cháu múa lân những ngày cận tết, đối với tôi đó là cách hoài niệm một thời, thấy vui lắm. Ngày nay, nhiều người không còn thích múa lân, nhưng tôi vẫn mong những giải đấu sẽ tiếp tục được địa phương duy trì tổ chức để bảo tồn nét đẹp truyền thống”.

Để có thể phát triển và khơi dậy phong trào, các đơn vị xã, phường trên địa bàn thành phố đều thành lập được câu lạc bộ múa lân. Đối tượng tham gia không giới hạn, có khi là chú xe ôm, anh thợ hồ, học sinh… Họ chung niềm đam mê, cùng trao đổi kinh nghiệm để sáng tạo nên những bài tập mới, có chiều sâu, chất lượng. Tuy những bài múa chưa thể gọi là xuất sắc nhưng tạo sự hài lòng cho người xem, một bước đà quan trọng để địa phương phát huy lợi thế sẵn có.

Anh Trần Thanh Nghị, công chức văn hóa - xã hội phường V, thành phố Vị Thanh, huấn luyện viên đội lân của phường, chia sẻ: “Chúng tôi duy trì tập luyện đội thường xuyên, nhưng gần thi đấu sẽ siết chặt thời gian hơn. Dù trang thiết bị tập luyện còn thô sơ nhưng với lòng nhiệt huyết đã giúp đội mang về thành công”. Với việc giành giải nhất tại hội thi lân thành phố, đội lân phường V sẽ tiếp tục đại diện tham gia tranh tài cấp tỉnh. Mọi công tác chuẩn bị cũng được khẩn trương tích cực với những bài múa sáng tạo mang ý tưởng mới.

Ngoài thành phố Vị Thanh, những câu lạc bộ múa lân còn lại trên địa bàn tỉnh đang tích cực tập luyện. Ông Phan Văn So, huấn luyện viên Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Nghề múa lân vất vả, cực khổ, anh em nhận thù lao không nhiều và chấn thương là chuyện hay xảy ra. Nhưng với lòng đam mê, chúng tôi sẽ càng nỗ lực, hy vọng truyền lửa cho thế hệ trẻ. Đội sẽ dự tranh giải lân sư rồng toàn quốc, diễn ra tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 16 đến 18-1”. Riêng hội thi múa lân của tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22-1 (nhằm 26 đến 28-12 âm lịch), tại công viên Xà No, thành phố Vị Thanh. Ở hội thi này, đội lân sư rồng Tư So Đường đã nhiều lần lên ngôi vô địch, hứa hẹn nỗ lực bảo vệ thành tích.

Bên cạnh hội thi múa lân, kéo co, đẩy gậy được 8/8 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh duy trì tổ chức. Đây là những môn thể thao quen thuộc, gần gũi, dễ dàng tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nhưng để bồi dưỡng nên thế hệ vận động viên kế thừa vững chắc bao giờ cũng là điều dễ dàng. Ông Nguyễn Thế Hà, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Mỗi lần địa phương tổ chức hội thao, đặc biệt có đẩy gậy, kéo co là tôi tranh thủ thời gian đến xem. Tôi chỉ hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, kỹ thuật bản thân để làm giàu thành tích cho địa phương”.

Các địa phương đã lựa chọn được nguồn vận động viên tiềm năng để chuẩn bị cho việc thi đấu giải cấp tỉnh sắp tới. Ở môn kéo co cần sự đoàn kết, hiểu ý và nỗ lực từ một tập thể, tạo thành chất keo kết dính trong đội hình. Còn môn đẩy gậy đòi hỏi vận động viên phải có sự bình tĩnh, tâm lý vững vàng, chờ đợi cơ hội để phản công mới giành được thành tích cao khi thi đấu.

Anh Huỳnh Hải Đăng, cán bộ phụ trách thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Sau giải cấp huyện vừa qua, chúng tôi đã tuyển chọn được nguồn vận động viên tập luyện thi đấu. Do là những môn gần gũi nên mọi người rất háo hức tham gia”. Một số địa phương cũng đã hình thành được câu lạc bộ kéo co, đẩy gậy. Đây sẽ là nguồn lực cần thiết để ngành thể thao tỉnh nhà tìm kiếm, tuyển chọn nguồn vận động viên cung cấp cho các giải đấu mang tầm quy mô.

Dòng chảy của sự phát triển thể thao luôn đi kèm việc kế thừa và phát huy trên nền tảng sẵn có.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>