Gầy dựng niềm tin từ những ngày khói lửa

28/04/2017 | 08:20 GMT+7

Chiến tranh là mất mát, chia ly... nhưng thể thao đã góp phần gầy dựng niềm tin vào cuộc sống, niềm tin hòa bình, tự do và khát vọng vươn lên.

Với ông A Phà (trái) và ông Thanh, quyển sách ghi chép về những giải đấu bóng rổ lúc xưa là một tài sản vô giá.

Tháng 4 về, chúng tôi có dịp đến gặp gỡ những người từng nhiệt huyết với thể thao từ những ngày chưa im tiếng súng, nghe họ kể chuyện đời, chuyện nghề từ những năm khói lửa tràn ngập quê hương và lúc đất nước đã thống nhất !

Chiến tranh không làm vơi đam mê

Ngồi xem lại những quyển sách ghi chép về số lượng thành viên, kết quả, hình ảnh của các đội bóng tham gia giải đấu từ trước ngày giải phóng, ông A Phà, cựu vận động viên bóng rổ Hậu Giang, chia sẻ: “Đôi khi đang đánh bóng thì nghe pháo kích, chúng tôi vội chạy tìm chỗ ẩn nấp. Khi pháo kích xong thì lại chạy ra đánh tiếp. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, thể thao làm con người ta mạnh mẽ hơn, tin tưởng hơn với ngày giải phóng. Sân tập của chúng tôi lúc trước là gần siêu thị Co.opMart thị xã bây giờ”. Nói đến đây, đôi mắt ông A Phà hoen đỏ, nhưng vẫn tràn ngập niềm tin và những ký ức xưa chợt ùa về. Ông A Phà tiếp lời: “Ngày hòa bình, ai cũng vỡ òa trong niềm vui và chúng tôi lại càng hạnh phúc hơn khi niềm đam mê bóng rổ lại trỗi dậy mạnh mẽ. Nhiều giải đấu được tổ chức, chúng tôi có cơ hội sống trọn với đam mê của mình”. Những quyển sách, hình ảnh về các giải đấu xưa là một tài sản vô giá được ông giữ gìn cẩn thận.

Ông A Phà năm nay 75 tuổi và đã có gần 60 năm gắn bó với bóng rổ. Với ông, bóng rổ là người bạn để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên hễ nơi nào có khoảng đất trống là sân bóng rổ lại… mọc lên. Ông Huỳnh Xảo Thanh, cũng là thành viên của đội bóng rổ xưa, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn thường xuyên ra sân xem và chơi bóng rổ. Nhớ lại những ký ức ngày xưa của một thời khó khăn, “cơm nhà áo vợ” để gắn bó với bóng rổ, ông Thanh tâm sự: “Lúc đó giày rách chúng tôi phải lấy vỏ xe đạp vá vào để mang tiếp, chiến tranh mà, đâu có đồ đạc mua thoải mái như bọn trẻ bây giờ. Còn quả bóng thì phải mua đồ cũ của người ta nhưng cũng chắp vá nhiều chỗ mới chơi được. Tuy khó khăn nhưng thấy vui lắm, bởi tôi luôn mong muốn gìn giữ và phát huy môn thể thao này cho thế hệ sau”.

Thời đó, các vận động viên mỗi người mỗi việc, từ buôn bán, kinh doanh đến làm thuê, làm mướn nhưng ai cũng đam mê bóng rổ. Họ thường tập luyện vào mỗi buổi chiều khi công việc đã hoàn tất. Vì đam mê nên họ sẵn sàng bỏ tiền túi để tham gia thi đấu, thường là Giải bóng rổ miền Tây Nam phần hay Giải đoàn kết,… Đôi khi, cũng nhận được sự hỗ trợ một khoản kinh phí từ địa phương. Tuy lắm chông gai nhưng chính niềm đam mê đã giúp nhiều thế hệ vận động viên bóng rổ quyết tâm gắn bó với nghề. Năm 1980, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, bóng rổ Hậu Giang bắt đầu được hình thành trở lại từ những cựu vận động viên thời kỳ trước còn gắn bó. Phong trào được gầy dựng và niềm tin với bóng rổ lại nảy nở. Gần đến giải thi đấu, phân công người chèo xuồng trên sông phát thanh thông tin đến người dân. Ngày thi đấu lại nhộn nhịp hơn khi thu hút được khá nhiều người đến xem. Họ dọn hàng về sớm và tìm cho mình những góc riêng để chờ xem các trận đấu. Chính những điều này đã giúp bóng rổ Hậu Giang hình thành và phát triển cho đến hôm nay.

42 năm sau ngày giải phóng, bóng rổ Hậu Giang đang từng ngày phát triển và khẳng định vị thế.

Gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa, thể thao

Mặc dù được hình thành sau bóng rổ một khoảng thời gian khá dài, nhưng đua ghe ngo ở Hậu Giang luôn được đồng bào dân tộc Khmer gìn giữ và phát triển. Sau gần 5 năm ngày đất nước thống nhất, vào khoảng năm 1979-1980, điểm chùa ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ bắt đầu việc đóng chiếc ghe ngo đầu tiên. Từ đó, nhiều giải đấu được tổ chức, đặc biệt là mừng ngày lễ hội Ok Om Bok dịp rằm tháng 10 hàng năm. Từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đóng góp của bà con đồng bào, đến nay đã có thêm 3 chiếc ghe ngo khác lần lượt ra đời. Khi ấy chiến tranh mới vừa kết thúc nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ luôn cố gắng tranh thủ thời gian để tham gia tập luyện và thi đấu.

Những trận đua ghe ngo sau ngày giải phóng trong ký ức của nhiều người vẫn vui và háo hức không khác gì bây giờ. Ông Danh Cung, gần 70 tuổi, ở ấp 4, xã Xà Phiên, kể lại: “Khi các đội chuẩn bị tham gia thi đấu là mọi người kéo đến đông để xem và ủng hộ. Lúc đó, mỗi năm chúng tôi chỉ tham gia vào dịp lễ hội Ok Om Bok nên ai cũng hào hứng. Có nhiều người đi ghe, xuồng đến nơi thi đấu để tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi”. Còn ông Danh Khinh, hiện là Trưởng Ban Quản trị chùa Pô Thi Wongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, gắn bó với ghe ngo của Xà Phiên ngay từ những ngày đầu mới hình thành. Ông Danh Khinh bộc bạch: “Ở vị trí nào của một người tham gia đua ghe ngo tôi cũng đã từng trải qua. Bây giờ lớn tuổi rồi không thể tham gia thi đấu nhưng tôi vẫn chia sẻ, hỗ trợ cho các vận động viên những gì mình đã biết”.

Bây giờ, bóng rổ Hậu Giang (hiện tại là đội bóng rổ Xổ số kiến thiết Hậu Giang) nhận sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Hậu Giang đã gặt hái nhiều thành tích ở các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc. Còn môn đua ghe ngo, mỗi lần đội đi thi đều được tỉnh hỗ trợ kinh phí cho việc vận chuyển, đi lại, tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên.

Bên cạnh những môn được hình thành lâu đời, thể thao Hậu Giang giờ đây đang phát triển và hình thành những môn mới. Chứng minh cho sự cố gắng và quyết tâm không mệt mỏi của thể thao Hậu Giang trong tương lai. Hiện tại, Hậu Giang đang thực hiện Đề án phát triển thể dục thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đây sẽ là cơ hội quý báu để thể thao tỉnh nhà ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Với những gì thể thao tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua, tôi tin chắc rằng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ở tầm cao hơn với những vận động viên tiềm năng. Khi đề án được thực hiện hoàn thành, thể thao Hậu Giang sẽ có cơ hội phát huy hết những khả năng sẵn có và mang đến nhiều thành công trong tương lai”.

Hậu Giang đang đào tạo thể thao thành tích cao ở 10 môn thi đấu với hơn 92 vận động viên. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, thể thao Hậu Giang đã giành được 671 huy chương các loại, trong đó có 117 huy chương vàng.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>