Chuyện xuất ngoại cầu thủ

19/02/2019 | 09:20 GMT+7

Đặng Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng lần lượt xuất ngoại thi đấu ở các câu lạc bộ hàng đầu Thái Lan và Hàn Quốc. Ra nước ngoài thi đấu giúp trui rèn, nâng tầm chuyên môn cho các cầu thủ.

Đặng Văn Lâm xuất ngoại và thi đấu dưới màu áo của Câu lạc bộ Muangthong United (Thái Lan).

Việc xuất ngoại cầu thủ đã có từ lâu, nhưng để trở thành hướng đi cho nền bóng đá quốc gia là việc không dễ dàng. Tài năng và tiềm năng của bóng đá Việt Nam sẽ được vun bồi, nhưng vấn đề là phát huy thế mạnh này ra sao. Thời gian qua, chuyện cầu thủ xuất ngoại nhận được sự quan tâm từ người hâm mộ, bởi đây là những gương mặt nổi tiếng, tài năng, thuộc loại hay nhất của đội tuyển quốc gia. Người hâm mộ lấy làm mừng khi các cầu thủ nhận được sự săn đón của những câu lạc bộ tên tuổi, đồng nghĩa họ chứng minh năng lực, sức hút không hề nhỏ.

Theo đánh giá, các cầu thủ Việt Nam tuy trẻ nhưng đủ sức ra nước ngoài thi đấu, quan trọng chỉ là tìm bến đỗ phù hợp, đảm bảo phát triển tốt nhất về mọi mặt. Khi xuất ngoại, họ sẽ có cơ hội va chạm ở môi trường mới mang đẳng cấp cao, tạo điều kiện cải thiện trình độ và khả năng thi đấu. Các cầu thủ sẽ được khám phá bóng đá ở nhiều quốc gia với nền bóng đá phát triển, nhưng điều ấy cần trở thành mục tiêu phấn đấu và thực hiện bằng hành động. Ai rồi cũng sẽ lớn, các cầu thủ cần mạnh dạn bước ra ngoài để trưởng thành hơn, thay vì cứ mãi bao bọc mình trong tổ ấm V.League.

Xuất ngoại không chỉ mang lợi ích cho bản thân mà còn hướng đến sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước tới thế giới. Bóng đá Việt Nam sẽ khó tiến xa nếu các cầu thủ chỉ đóng đinh ở các giải đấu quốc nội. Họ sẽ là đại diện cho một thế hệ mới nối tiếp ước mơ xuất ngoại và thi đấu thành công ở tương lai.

Trong quá khứ, các cầu thủ xuất ngoại thường mang tư duy cũ, một nỗi sợ vô hình đè nặng lên vai. Họ không tự tin chơi bóng xa nhà, ngại với những món ăn khác biệt, dẫn đến tâm lý tập luyện, thi đấu không tốt. Các cầu thủ còn mang theo nỗi mặc cảm rằng mình đến từ nền bóng đá không phát triển, nên không phát huy hết khả năng. “Nỗi sợ thất bại” chính là thứ gông xiềng kìm hãm giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam, khiến họ đánh mất không ít cơ hội vươn tới chân trời mới.

Nhưng hôm nay, chuyện đã khác… Vị thế bóng đá Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách cả về tâm thức và trình độ với quốc tế. Các cầu thủ không còn sợ sệt, lóng ngóng khi phải đối đầu với đối thủ, thậm chí họ không chịu kém cạnh lúc so tài. Ra biển lớn, giúp cầu thủ ý thức rõ về trình độ chơi bóng của mình, sau khi trở về nước, họ sẽ rèn luyện bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn. Xuất ngoại còn mang đến những bài học bổ ích về sự hòa nhập, tính tự lập, rèn luyện, biết định vị bản thân, tạo động lực vươn lên, khi tiếp cận và trải qua môi trường huấn luyện đầy khắc nghiệt.

Bóng đá Việt Nam sở hữu không ít cầu thủ tài năng, trẻ và cầu tiến, đang thể hiện sự phát triển nhanh chóng, ấn tượng về mặt chuyên môn. Việc cầu thủ xuất ngoại để học hỏi, trải nghiệm là phương cách góp phần nâng tầm chất lượng của đội tuyển quốc gia. Bản thân các cầu thủ cũng nên tự nâng cấp mình, bằng cách chấp nhận đối diện với thử thách ở những giải đấu có tính cạnh tranh cao nếu muốn tiếp tục đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Vẫn sẽ là một chuyến đi khó khăn, đầy thách thức cho những cầu thủ xuất ngoại, nhưng cũng khấp khởi niềm tin, sự kỳ vọng lớn của người hâm mộ.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>