Bơi lội Việt Nam và nỗi lo tại SEA Games

06/08/2019 | 10:52 GMT+7

Phong độ sa sút của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên thời gian qua, đặt ra dấu hỏi lớn cho bơi lội Việt Nam tại SEA Games 30, khi cô gánh nặng trên vai trọng trách “gặt” vàng.

Ánh Viên cần ổn định tâm lý để cải thiện thành tích.

Bơi lội Việt Nam hướng tới SEA Games 30 là giành từ 11 đến 14 huy chương vàng, nhằm góp vào thành tích chung của thể thao nước nhà, nhưng nhiệm vụ này được đánh giá không dễ thực hiện. Ánh Viên được gánh trọng trách giành 8 huy chương vàng, nhưng sự thể hiện của kình ngư người Cần Thơ thời gian gần đây, khiến người hâm mộ cảm thấy lo lắng. Cô trắng tay ở ASIAD 2018, rồi thất bại ngay tại vòng loại Giải Vô địch thế giới 2019 với 3 nội dung có cả sở trường,… cho thấy phong độ đang thụt lùi. Hơn hết là các thông số đạt được khi Ánh Viên thi đấu đều thua xa thành tích của chính cô trong quá khứ, nên tạo ra áp lực lớn.

So với những gương mặt khác, Ánh Viên nhận được sự đầu tư lớn, mỗi năm tiêu tốn vài tỉ đồng, bằng việc đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Thực tế, những kình ngư trong khu vực họ không bơi nhiều cự ly mà chỉ tập trung vào nội dung thế mạnh, sở trường khiến thành tích vượt ngưỡng. Trong khi đó, Ánh Viên phải thi đấu nhiều cự ly, gặt vàng càng nhiều càng tốt, tất yếu, những nội dung sở trường ngày một khó nâng tầm. Việc mải mê “săn vàng” ở đấu trường Đông Nam Á hoặc các giải trong nước đã lý giải một phần nguyên nhân cô không thể vượt lên chính mình mà có phần hụt hơi tại giải thế giới.

Số lượng huy chương Ánh Viên mang về ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả chung cuộc của cả bộ môn và thành tích thể thao Việt Nam tại SEA Games. Nhưng câu chuyện làm thế nào để vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic vẫn là bài toán lớn đối với thể thao nước nhà, khi sức cạnh tranh từ các đối thủ ngày một khốc liệt, khó khăn trong tiến trình đầu tư và định hướng. Để đào tạo và nâng tầm vận động viên, ngành thể thao cần có một quá trình chuẩn bị tốt, bài bản từ vấn đề tập huấn, giám sát chương trình huấn luyện, thi đấu, từng bước khắc phục vấn đề tâm lý, duy trì phong độ, thể trạng ổn định cho các gương mặt chủ lực. Bởi từ tập luyện đến thi đấu vẫn còn nhiều khác biệt.

Bản thân Ánh Viên cần phải được huấn luyện kỹ thuật cơ bản thật tốt mới có thể bung sức, nếu không sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến thành tích, thậm chí là mai một tiềm năng. Cô cũng nên được tạo cơ hội, điều kiện để phát triển vượt tầm, chứ không chỉ đơn thuần chạm ngưỡng châu lục rồi có dấu hiệu đi xuống như hiện nay. Ánh Viên sẽ bơi như thế nào? Chỉ các nội dung sở trường, hay tiếp tục dàn trải để gánh áp lực gặt huy chương vàng? Được người hâm mộ đặt ra.

Nhiều người cho rằng, bơi lội Việt Nam cần có sự thay đổi sau thất bại của Ánh Viên. Thể thao Việt Nam cho thấy có phần đầu tư dàn trải, thiếu tập trung dẫn tới nửa vời, buông lỏng và phụ thuộc nhiều vào huấn luyện viên. Ánh Viên là niềm tự hào của thể thao Việt Nam, tuy nhiên, cô cũng như nhiều vận động viên khác không thể vươn tới đỉnh cao châu lục hoặc thế giới, xuất phát từ việc thiếu nền tảng, không phát huy hết tố chất đặc biệt.

Không ít ý kiến cho rằng, việc đi tập huấn nước ngoài không phải ai cũng thích nghi được, dẫn tới sự ì ạch cả trong chuyên môn lẫn tâm lý, khó đảm bảo thành tích. Thay vì vậy, nên để vận động viên tập huấn từng đợt theo yêu cầu chuyên môn, còn lại cần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trong nước đáp ứng việc huấn luyện.

Sau những thất bại liên tiếp, kình ngư Ánh Viên đang trong giai đoạn bất ổn về thành tích và cả tâm lý. Điều quan trọng là ngành thể dục - thể thao, huấn luyện viên cần chủ động điều chỉnh thích hợp lượng vận động cho kình ngư một cách phù hợp. Ánh Viên hay nhiều vận động viên khác luôn cần có một tâm lý thoải mái và phong độ ổn định nhất, sẵn sàng hướng tới mục tiêu SEA Games 30.

Thành tích bơi lội Việt Nam là có nhưng cần sự vượt ngưỡng và nâng tầm, phát huy tiềm năng, thế mạnh các tài năng trẻ đúng lúc, đúng thời điểm.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>