Nối truyền niềm đam mê

05/10/2018 | 08:14 GMT+7

Gia đình có nhiều thế hệ chơi tài tử ở Hậu Giang vẫn còn nhiều, bởi những nghệ nhân đa phần được nuôi dưỡng tâm hồn từ những thế hệ trước đam mê tài tử. Thế nhưng, theo đuổi đến cùng như những gia đình tôi gặp thì rất ít...

Gia đình nghệ nhân Đặng Hồng Mau cùng niềm đam mê tài tử.

Ông đờn, cháu hát, bà nghe…

Ngoài 70 tuổi, niềm vui của nghệ nhân Đặng Hồng Mau (xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A) bây giờ chính là được đi đờn, ca và dạy cho hai đứa cháu nội hát. Hơn 50 năm gắn bó với tài tử, ông nhận thấy mình đã sống trọn đam mê, làm hết trách nhiệm để môn nghệ thuật này được tiếp nối. Các con của ông, ai cũng hát được, nhưng vì cuộc sống, không tham gia nhiều. Vậy là ông tập trung dạy cho đứa cháu. Hạnh phúc nhất là các cháu của ông có chất giọng tốt, lại giống ông mê đờn ca.

Nghệ nhân Đặng Hồng Trúc, người từng mang về cho Hậu Giang huy chương ở các liên hoan đờn ca tài tử cấp khu vực, toàn quốc, đã được ông truyền cho ngọn lửa đam mê từ khi còn nhỏ. Có chất giọng, lại được sống trong không khí ngọt ngào qua tiếng đờn, lời ca nên Hồng Trúc đã thấm và say mê tài tử lúc nào không biết. Em chia sẻ, lúc đầu, em cũng không có hiểu hết, chỉ hát rồi ai cũng khen, nên thích và tập. Càng lớn, được gặp nhiều nghệ nhân qua các cuộc thi, hiểu thêm về tài tử, nên em thấy hay và quyết tâm theo. Niềm vui của nghệ nhân lớn tuổi này càng được nhân lên khi đứa cháu thứ hai, Đặng Hồng Quyên cũng bắt đầu thể hiện năng khiếu tài tử. Ông nói: “Cả đời tôi theo tài tử, giờ có thêm 2 đứa cháu nữa nên vui và hạnh phúc vô cùng”. Vậy là những giờ rảnh ông đờn, cháu hát, bà ngồi nghe, niềm hạnh phúc đơn sơ trong gia đình nhỏ ngập tràn tiếng cười và đã sống hết lòng cho một niềm đam mê…

Giữ lửa

Giống như gia đình nghệ nhân Đặng Hồng Mau, nhưng niềm đam mê tài tử trong gia đình chị Trần Thị The, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, lại mang một màu sắc khác. Chị quê gốc ở Giồng Riềng (Kiên Giang), trong gia đình có cha chị rất mê tài tử. Tuổi thơ chị cũng được tắm mình trong tiếng rao đờn ngọt lịm, lời mẹ ru ngọt ngào, sâu lắng. Nhưng niềm đam mê ấy không được tiếp tục trong một khoảng thời gian vì cuộc mưu sinh, vì nhiệm vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Chỉ đến khi các con bắt đầu đi học, có thời gian rảnh, chị mới tham gia phong trào đờn ca tài tử và hiện tại, chị là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố Vị Thanh.

Chị Trần Thị The chính là chị của nghệ nhân Trần Kim Khéo, đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Cũng chính nghệ nhân này đã tiếp lửa, khơi nguồn, khuyến khích chị trở lại với niềm đam mê, đồng thời truyền dạy cho hai đứa con của chị. Giờ, hai cháu hơn 10 tuổi, là hai nghệ nhân nhỏ tuổi đầy triển vọng của Hậu Giang, đã bắt đầu tham gia vào phong trào đờn ca tài tử ở địa phương, các cuộc thi tài tử, cải lương trong và ngoài tỉnh. Chị Trần Thị The chia sẻ: “Thấy con đam mê, tôi vui lắm. Giờ, ngoài việc làm lụng để trang trải cuộc sống, tôi sẽ cùng hai con quyết tâm tập luyện để hát đúng chất tài tử, góp phần giữ gìn và thắp lửa cho môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc”.

***

Họ, những người mà tôi gặp, đều có cùng điểm chung là cả đời dành cho tài tử. Họ còn dốc sức truyền lại cho con, cháu mình, để góp phần giữ gìn và truyền ngọn lửa đam mê…

   Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>