Người truyền lửa

21/09/2018 | 09:04 GMT+7

Vì yêu nghề, chị đã từng quyết tâm theo đoàn hát. Vì chữ hiếu, chị lại trở về đây và rồi không thoát được nghiệp đeo mang. Giờ, chị vẫn âm thầm truyền lửa, để bộ môn tài tử, cải lương được phát huy. Chị là nghệ nhân Huỳnh Kim Nhan (ảnh).

Giữ trọn đam mê

Nghệ nhân Huỳnh Kim Nhan dễ tạo dấu ấn cho người lần đầu gặp bởi sự nhiệt thành, tâm huyết với nghề. Cũng vì yêu nghề mà chị dồn hết tâm huyết để truyền dạy tài tử cho những ai muốn học. Rồi những người được chị truyền dạy lại trở về sinh hoạt ở CLB Hát với nhau, tại nhà mình, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, do chị làm chủ nhiệm. Hát ở đây là hát cải lương, tài tử, đều đặn 1 tuần 3 buổi. Những người sinh hoạt đủ thành phần, từ công chức, thợ may, công nhân… Đôi khi chị cũng tiếp khách lạ chạy ngang qua thấy sinh hoạt, nên ghé thăm. Chị kể lại cho tôi nghe mà mắt ánh lên niềm vui…

Chị kể cho tôi nghe câu chuyện về cơ duyên trở lại quê hương sau một thời gian theo đoàn hát ở Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm sau giải phóng, thời thịnh hành của những đoàn hát đi biểu diễn phục vụ khắp các tỉnh, thành Nam bộ. Lúc đó, chị mới 16 tuổi. Chị nói, có lẽ máu yêu nghề của chị được truyền từ ông ngoại là bầu sô đoàn hát. Thế nhưng, vì gia đình muốn cô con gái út trở về nhà, gần gũi cha mẹ, nên sau vài năm, chị trở về Vị Thanh, tham gia vào ngành văn hóa một thời gian rồi lấy chồng, sinh con. Chị mở quán nước, tạp hóa nhỏ trước nhà để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Thế nhưng, chưa bao giờ chị thôi nghĩ đến việc được đi hát và tập hợp những người cùng sở thích để cùng gặp gỡ, giao lưu…

Các con dần lớn, chị bắt đầu tìm cho mình một niềm vui mới mà lâu nay cất giấu trong lòng, đó là tụ họp những người cùng niềm đam mê tài tử để sinh hoạt, rồi thành câu lạc bộ, rồi truyền dạy và mạnh dạn gắn bản dạy bài bản tài tử, cải lương. Thấm thoát, CLB này tồn tại đã gần 20 năm. Dù có nhiều giai đoạn, CLB có thay đổi tên: CLB tài tử - cải lương, CLB Hát với nhau…, nhưng thực chất trong mỗi buổi sinh hoạt đều là tài tử và cải lương.

Truyền lửa…

Chị rất ngại khi được gọi nghệ nhân, dù chị hoàn toàn xứng đáng với hơn 30 năm theo nghề và giờ đang làm công việc của người thắp lửa. Chị nói, biết bao nhiêu thì chỉ lại cho những ai muốn học, để họ cùng chơi với mình. May mắn của chị là được gặp những nghệ nhân giỏi, đã chỉ nhịp nhàng, bài bản tài tử, cải lương. Rồi chị tích góp qua quá trình đi hát, tự nghiên cứu qua sách vở, mạng… Được học và trải nghiệm, rồi tự nghiên cứu để chị có thể hát đúng chất tài tử, cải lương. Chị muốn cái hay, cái đẹp phải được giữ gìn và truyền đúng. Vì thế, khi dạy, chị rất khắt khe, mong sao những người được chị truyền biết đủ, hát đúng, để cùng chị thắp lên tình yêu và niềm đam mê bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Mới ngoài 50 tuổi, nhưng sức khỏe chị rất yếu, nhiều căn bệnh hoành hành, nhất là bệnh khớp, tim, làm cho làn hơi của chị yếu hơn. Thế nhưng nếu không nằm viện là chị tụ họp mọi người lại sinh hoạt đúng lịch. Giờ, cuộc sống của chị đủ đầy hơn, nên thu nhập từ quán nước chị dành mua loa, micro, bàn, ghế để phục vụ cho những buổi sinh hoạt, truyền nghề. Niềm đam mê và lòng nhiệt huyết trong chị vẫn còn đầy, đã truyền thêm cho chị sức mạnh. Chị như khỏe hơn khi được gặp gỡ, giao lưu với những tâm hồn đồng điệu, để cùng thắp truyền ngọn lửa đam mê khi đã sống trọn với tài tử, cải lương.

Những năm gần đây, chị còn viết những bài ca cổ, về những đổi thay của quê hương Hậu Giang, mà chị cảm nhận được từ trái tim của một người con gắn bó với xứ sở. Trong đó, có thể kể đến: “Duyên thắm tình Hậu Giang”, “Mùa xuân kỷ niệm”, “Tình xuân”, “Hương lúa quê”, “Nhớ mẹ”… Lời ca ngọt ngào, đầy cảm xúc đã đi vào lòng người và được hát trong những buổi sinh hoạt, giao lưu tại câu lạc bộ. Mỗi bài đều được viết ra từ những cảm xúc rất thật, nên đã truyền đến những tâm hồn đồng điệu…

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>