Nghệ nhân miệt vườn 83 tuổi vẫn đầy nhiệt huyết

31/08/2018 | 09:48 GMT+7

Vượt ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, nghệ nhân Đoàn Văn Tổng, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, vẫn miệt mài đi truyền nghề trên chiếc xe Honda của mình. Ngọn lửa tài tử trong ông vẫn đầy ắp và ông muốn truyền lại cho thế hệ sau dù đã ở tuổi 83.

Nghệ nhân Đoàn Văn Tổng biểu diễn đờn kìm trong buổi sinh hoạt đờn ca tài tử.

Dành cả đời cho tài tử

Là nông dân, nhưng từ nhỏ, ông không có ước mơ sẽ tiếp nối đời nông dân như ba má, mà lại mê đờn ca. Niềm đam mê này đủ lớn để ông thuyết phục được gia đình cho đi học đờn. Người thầy đầu tiên của ông là nghệ nhân Tư Sang (ba của NSƯT Trọng Hữu). Đến bây giờ, khi nhắc lại, ông vẫn nhớ như in thời thiếu niên, mỗi lần thấy thầy ôm cây mandolin đánh từng nốt nhạc vui tươi là ông đứng ngồi không yên. Không chỉ học nhạc, mà người thầy này còn chia sẻ với ông những câu chuyện về đời nghệ sĩ, thắp cho ông niềm tin yêu là quyết tâm theo nghiệp là sẽ có thành tựu.

Vậy một hành trình cho mình đã được ông chuẩn bị từ đó…

Học được một thời gian, khi đã cảm nhận đủ sức để tìm hướng đi riêng, ông bắt đầu hành trình của mình ở các đoàn cải lương đi khắp các tỉnh miền Tây phục vụ. Ông nhớ lại: “Những năm đó, sân khấu đơn giản, ánh sáng là chiếc đèn măng-sông, vậy mà người xem đông lắm...”. Suốt 10 năm (1951-1961), bôn ba theo nhiều đoàn cải lương, từ đoàn Lúa Vàng, Ánh Sáng đến đoàn Ngân Điện - Ngọc Đính phục vụ bà con và cũng là để rèn ngón đờn cho ngày một điêu luyện.

Năm 1962, ông về địa phương làm công tác văn nghệ. Vài năm, chiến tranh ác liệt, nhưng ông vẫn  miệt mài với niềm đam mê. Đám tiệc nhờ là có ông. Ai muốn học đờn, ca là ông sẵn lòng. Ông nói, mình biết mà cứ giữ cho mình thì buồn lắm, phí lắm. Chỉ cho người ta để tìm thêm những người bạn, mình sẽ học được những điều hay từ họ.

20 năm ở quê đi truyền lửa, có mái ấm riêng và những người con lần lượt ra đời, cứ tưởng sẽ giữ chân ông lại. Nhưng rồi, một lần nữa, ông lại theo đoàn cải lương Hương Miền Tây vào năm 1993.

Mãi đến năm 1999, khi đã hơn 60 tuổi, ông mới chịu dừng chân, trở về quê, bắt đầu sinh hoạt tham gia vào các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương, trở thành nghệ nhân miệt vườn được nhiều người biết đến.

Truyền lửa đến cuối đời...

Lớn tuổi vậy, nhưng chưa có đợt tập huấn về đờn ca tài tử của tỉnh thiếu ông. Ông cười hiền: “Học mà, biết chừng nào mà hết. Ai cũng có cái hay để mình học. Mà đi học cũng vui lắm, được trò chuyện, học những nghệ nhân có nghề, được gặp các nghệ nhân, nhất là các cháu còn trẻ, có chung niềm đam mê tài tử”.

Cả đời dành cho đờn ca tài tử, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, ông thấy mình thật hạnh phúc vì đến giờ vẫn còn đi được, đờn được và ước muốn truyền nghề cho đến cuối cuộc đời. Ông còn chuẩn bị gia tài lớn mình thu thập cả đời bằng việc viết lại những gì mình đã học. Đó là cách thức đờn, ca một bài tài tử thế nào cho đúng. Ông nói, có khi những nghệ nhân khác không chịu với cách đờn, cách ca của ông, nhưng đây là những kinh nghiệm được ông đúc kết trong suốt cuộc đời. “Chưa biết là có ai học không, nhưng tôi vẫn ghi chép đều đặn, sợ mai mốt mình quên hết thì uổng lắm”, ông cười hiền.

Các cuốn sách của ông như thế cứ dày lên cùng với số tuổi ngày càng cao…

Ông kể cho tôi nghe cái duyên kỳ lạ trong suốt cuộc đời theo tài tử của mình. Đó là được gặp và học nghề từ nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Trong đó có thầy Ba Tu, một danh cầm nổi tiếng với ngón đờn kìm rất độc đáo. Vậy là ông mê luôn cây đờn kìm và quyết tâm chinh phục để thành thạo. Rồi cây đờn kìm, cùng với các nhạc cụ khác là mandolin và guitar phím lõm, đã theo suốt ông trên chặng đường dài. Ông còn học ở những người thầy của mình không chỉ ở ngón đờn, mà ở cách yêu nghề và truyền lửa. Đó cũng lý giải vì sao ở tuổi 83, máu nghề trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Ông vẫn miệt mài đi dạy đờn, ca cho những ai yêu thích đờn ca tài tử.

Khi dạy đờn, ca, ông nổi tiếng là người khó tính. Cũng phải, với ông, đã biết là phải biết cho tới để hát đúng, đờn đúng. Ai học ông mà nửa chừng bỏ đi chạy sô là ông buồn lắm. Ông muốn học trò của mình sẽ theo đến cùng và là những người tiếp tục giữ gìn và phát huy đờn ca tài tử. Muốn vậy phải học tới nơi tới chốn.

Hỏi ông về những người đờn, ca tài tử hiện nay trong tỉnh, ông nói giờ người đờn và ca cho đúng chất tài tử có, nhưng không nhiều. Người trẻ thích và quyết tâm theo tài tử lại càng hiếm hơn. Ông cũng thông cảm cho họ vì còn cuộc sống của họ, mà tài tử chỉ là thú tao nhã. Vì vậy, trong sức của mình, ông sẽ tiếp tục đi tìm người để truyền nghề, cho đến khi nào đi không nổi nữa mới thôi…

***

83 tuổi, gần 70 năm gắn bó với tài tử, vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Lúc này, niềm khao khát được truyền nghề dường như càng mãnh liệt hơn bao giờ... đó là nghệ nhân Năm Tổng Hậu Giang.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>