Nặng nghiệp đờn ca

19/10/2018 | 08:07 GMT+7

Đây là khoảng thời gian tương đối rảnh đối với nghệ nhân Hoàng Nguyên (ảnh), vì anh không còn kinh doanh quán ăn ở Vị Thủy, mà chuyển về ở hẳn tại Vị Thanh để chuẩn bị cho dự án kinh doanh mới. Anh nói, anh muốn mở một điểm vừa kinh doanh, vừa là nơi hội tụ những nghệ nhân tài tử...

Nối nghiệp…

Anh sinh ra trong một gia đình nông dân ở Rạch Gòi, nhưng ông bà, cha mẹ đều là những người biết đờn, ca tài tử. Từ đó, anh cùng anh chị em đều được tắm mình trong những lời ru ngọt ngào và kế thừa niềm đam mê ấy. Ai cũng biết đờn, ca, nhưng chỉ có anh chọn đờn làm nghề và nó gắn bó với cuộc đời anh như một cái nghiệp. Hành trình đó đầy gian nan, nhưng cũng lắm niềm vui vì đã đi đến cùng và được nối nghiệp niềm đam mê của thế hệ trước.

Hớp một ngụm trà, anh kể tiếp: “8 tuổi, tôi đã được học đờn từ cha, rồi anh Hai của mình. Vừa học văn hóa, vừa học đờn, đến khi học xong phổ thông, tôi vào làm cán bộ văn hóa ở xã Thạnh Hòa, sau đó, được tạo điều kiện đi học đờn hơn 1 năm tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Thời gian này, tôi được gặp nhiều nghệ nhân, học bài bản và càng thấy mình chọn nghề này là đúng vì niềm đam mê khó thể tách rời”.

Sau khi học xong, anh bắt đầu con đường rày đây mai đó của mình để trải nghiệm. Anh đầu quân, làm nhạc công cho Đoàn Cải lương Sông Hậu 2, rồi sau đó là Đoàn Văn công An Giang, Đoàn Cải lương Châu Giang… 10 năm bôn ba khắp nơi, là giai đoạn mang đến cho anh nhiều trải nghiệm, được gặp gỡ rất nhiều người có cùng chung đam mê. Đây cũng là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Không chỉ đờn sỏi cây ghi-ta phím lõm, anh còn thành thạo các loại đờn: sến, tranh… Mỗi loại đều đem lại cho anh sự hứng khởi riêng, vì thế, anh học từ đồng nghiệp, qua sách vở, tự nghiên cứu…, để ngón đờn ngày một điêu luyện.

Muốn tạo nơi để nghệ nhân gặp gỡ

Đi mãi rồi cũng đến lúc phải dừng lại để tạo dựng sự nghiệp riêng. Năm 1996, anh trở về quê, cưới vợ và bắt đầu mở quán ca cổ để phục vụ những ai yêu thích cải lương, tài tử, vừa ổn định cuộc sống. Anh chia sẻ: “Tôi suy nghĩ, nếu mà cứ đi đờn, ca không tính đến chuyện làm gì để có thu nhập thì cuộc đời mình sẽ thất bại. Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi chọn mở quán với hình thức này. Năm tôi nghỉ theo các đoàn hát cũng là năm cải lương đã qua thời kỳ vàng son. Nên về trụ lại đây cũng là một cách để tôi thực hiện niềm đam mê của mình theo hướng khác”. Hết Phụng Hiệp rồi về Vị Thủy, quán ca cổ của anh được nhiều người biết, vừa là nơi sinh hoạt tài tử, vừa là nơi để những người yêu cải lương, tài tử tìm đến để được thưởng thức. Thấm thoát cũng đã 20 năm. Quán này đã giúp anh ổn định cuộc sống, chăm chút cho hai đứa con có đủ điều kiện học hành.

Giờ, anh chọn Vị Thanh là một điểm dừng mới với dự định hoàn toàn mới. Anh chia sẻ, anh vẫn muốn kinh doanh để nuôi đờn ca tài tử, nhưng những năm gần đây, anh lại có suy nghĩ xây dựng thành một điểm sinh hoạt tài tử đúng nghĩa. Không chỉ vậy, anh còn muốn tạo điều kiện để các nghệ nhân tài tử có việc làm bằng chính niềm đam mê, sở trường của mình, để cuộc sống ổn định, đủ đầy hơn. Giờ, anh đang dốc hết tâm sức để thực hiện điều này. Nếu ước mơ thành hiện thực, thì một ngày không xa, các nghệ nhân tài tử sẽ có thêm một điểm ngay tại thành phố Vị Thanh, để thể hiện niềm đam mê và cùng nhau thắp truyền, để ngọn lửa ấy tiếp tục sáng mãi.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>