Một đời thỏa chí

16/11/2018 | 08:11 GMT+7

Sau mấy chục năm bôn ba với niềm đam mê theo tài tử, nghệ nhân Hoàng Thắm, ở ấp Long Trường 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, đã để lại tài sản quý giá là những quyển kịch bản từng dàn dựng cho các chương trình dự thi trong tỉnh và những bài ca cổ ông viết bằng cảm xúc về quê hương, xứ sở.

Những kịch bản, bài ca cổ, được ông cất giữ rất cẩn thận.

Tôi ấn tượng nghệ nhân Hoàng Thắm từ lâu, bởi ông là nghệ nhân hiếm hoi ca ra bộ rất hay. Đây cũng là thể loại thành công của ông trong suốt cuộc đời theo đuổi nghiệp tài tử. Mới nghỉ hưu hơn năm nay, nhưng bệnh triền miên làm cho sức khỏe của ông không còn như trước. Ông đã về lại quê mình ở xã Long Thạnh để nương náu… Trái với hình dung của tôi về ông, vẫn giọng sang sảng và nụ cười tươi, ông nói: “Tôi vẫn còn mê hát lắm. Giờ, tùy thuộc vào sức khỏe, tôi sẽ tham gia gầy dựng phong trào ở địa phương mình. Vậy thôi đã vui rồi…”. Lần theo dòng cảm xúc, ông đã kể cho tôi nghe mấy chục năm bôn ba của đời nghệ sĩ…

8 tuổi, ông đã mê đờn ca. Nhà đông anh em, nhưng chỉ có ông là con trai nên được cưng nhiều. Cũng từ đó, ước mơ theo đuổi nghệ thuật cũng được chắp cánh. Bán chục giạ lúa mới mua được cây đờn ghi-ta phím lõm, vậy mà mẹ ông vẫn chắt chiu để mua cho cậu con trai duy nhất của mình rồi tìm thầy cho con học. Ông nhắc lại chi tiết này với đôi mắt rưng rưng và nói rằng, chính điều này đã giúp ông phấn đấu không mệt mỏi, dù có lúc cũng muốn chùn chân vì đời nghệ sĩ khổ quá, lông bông quá. Được học bài bản tài tử từ rất nhiều người theo cách truyền nghề, cộng với chất giọng được trau dồi, ông tháp tùng với những nghệ nhân ở quê mình đi hát hò ở đám tiệc. Có khi sau giờ làm đồng, lại tụ họp cùng nhau hát để thỏa đam mê, quên hết mệt nhọc.

Sau giải phóng, ông làm cán bộ văn hóa thông tin xã Long Thạnh, sau đó về đội thông tin lưu động, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp. Trong một lần tham gia hội thi văn nghệ quần chúng, ông có một vai diễn gai góc trong một tiểu phẩm, đã được Đoàn Văn công Quân khu 9 chọn, vậy là ông về đầu quân, bắt đầu hành trình làm một nghệ sĩ chuyên nghiệp bằng việc tham gia diễn xuất trong các vở cải lương: “Hai dòng nước”, “Mùa bông tràm”, “Mưa nguồn”…, đi diễn khắp cả nước. “Đây là quãng thời gian vui nhất của tôi. Tôi được học nghề, đi biểu diễn khắp nơi, được gặp rất nhiều người. Dù chỉ có mấy năm, nhưng tôi chưa bao giờ quên vì tôi được tôi rèn rất nhiều từ chuyên môn đến nhân cách, để thành một nghệ sĩ thực thụ”, ông chia sẻ. Sau đó, ông còn theo một số đoàn cải lương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để được thử sức và thỏa chí, trước khi về tìm một nơi để ổn định. Năm 1990, ông về lại Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Ngã Bảy) và gắn bó đến ngày về hưu. Đây cũng là khoảng thời gian ông tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật, từ việc làm nghệ nhân tài tử, tham gia các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc và đạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng; viết kịch bản tuyên truyền lưu động, dàn dựng các chương trình văn nghệ cho các đơn vị tham dự cuộc thi văn nghệ. Đặc biệt, ông theo dòng cảm xúc, ông viết hàng chục bài ca cổ ca ngợi vẻ đẹp, sự đổi thay của quê hương Hậu Giang: “Màu tím tôi yêu”, “Tự tình mùa xuân”, “Bức tranh quê mới”, “Cây bần quỳ”…

Hơn 50 năm theo đuổi nghiệp tài tử, ông bằng lòng với sự bôn ba của mình. Bởi nó đã thỏa được tính nghệ sĩ cuồn cuộn chảy trong ông. Nhưng không phải chỉ có niềm vui, mà theo liền đó là nỗi buồn và cảm thấy bất lực khi tuổi tác ngày một lớn. Niềm say mê vẫn chưa bao giờ giảm nhưng giờ, ông không còn làm được tất cả những việc yêu thích như thời trẻ, làm ông luôn cảm thấy bức bối. Thế nhưng, có lẽ niềm đam mê ấy đã giúp ý chí ông vững vàng để vượt qua bệnh tật mà vui sống, tràn đầy niềm tin để tiếp tục góp sức cho phong trào văn nghệ ở địa phương, đặc biệt là tài tử. “Già rồi, bệnh hoài, có làm được gì nữa đâu. Vậy mà mấy anh em ở xã quan tâm lắm à nghe, đang rủ rê tôi gầy dựng phong trào ở địa phương nè”… Câu nói ẩn chứa một sự quyết tâm của một nghệ nhân dạn dày kinh nghiệm, tạo niềm tin rằng ông sẽ tiếp tục cống hiến để truyền nghề và thắp truyền ngọn lửa đam mê…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>