Hết lòng với đam mê

01/06/2018 | 09:58 GMT+7

Câu chuyện về niềm đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT) được nghệ nhân Nguyễn Lê Hồng, ở ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, làm cho tôi càng thấy quý tấm lòng của ông với môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc...

Quyết giữ ngọn lửa đam mê

Ông Hồng kể, ba mất sớm, từ nhỏ ông sống với ông nội. Ông nội và các bác của ông mê đờn, ca tài tử và nhà ông là nơi tụ tập, nên ông được sống trong không khí văn nghệ ấy trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Ông được mọi người trong gia đình yêu thương, nên cũng ưu tiên cho ngồi nghe những buổi sinh hoạt đờn, ca. Thời đó, dù còn chiến tranh, nhưng phong trào văn nghệ ở địa phương vẫn được duy trì. Ông có chất giọng tốt, nên cũng tập đờn cho biết rồi chuyên tâm rèn chất giọng của mình. Sau giải phóng, phong trào văn nghệ ở địa phương phát triển hơn. Năm 1979, ông tham gia công tác văn hóa, văn nghệ làm ở Đội Thông tin cổ động của xã Đại Thành suốt một thời gian dài. Trong khoảng thời gian này, ông được gặp gỡ nhiều nghệ nhân đờn từng theo các đoàn hát trở về địa phương sinh sống, như ông 6 Nhám từng là kép hát, ông 7 Giáp từng là nghệ nhân đờn. Chính những người này đã dạy cho ông rất nhiều. Từ đó, ông biết phân biệt ĐCTT với các thể loại khác và thấy niềm đam mê với môn nghệ thuật này một lớn dần…

Ông còn muốn thắp truyền niềm đam mê của mình đến với mọi người, nên ông cùng với những nghệ nhân yêu tài tử ở quê mình để truyền lại cho thế hệ tiếp sau. CLB ĐCTT sinh hoạt vào ngày rằm hàng tháng với hơn 10 người, đều đặn hơn 20 năm nay. Những người đến sinh hoạt không chỉ được tập đờn, ca những bài bản tài tử mà còn chia sẻ niềm đam mê để cùng nhau thổi bùng ngọn lửa cho những bạn trẻ. Kể đến đây, giọng ông chùn lại: “Giờ, ít người trẻ thích lắm. Ngay cả mấy đứa cháu của tôi cũng không chịu hát. Chúng nó có nhiều phương tiện giải trí, không như chúng tôi ngày xưa…”. Càng ít người trẻ thích, ông càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Trong các cuộc thi ĐCTT ở địa phương, ông không chỉ tham gia, mà còn tìm kiếm và phát hiện những giọng hát mới để hướng họ theo sinh hoạt tài tử. Ông luôn chỉ dạy tận tình những gì mình biết được và tích lũy gần 50 năm qua với mong muốn góp chút sức cùng giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Người “vác tù và”…

Không chỉ là nghệ nhân tài tử, ông còn tích cực tham gia công tác tại địa phương. Hơn 10 năm qua, trong vai trò Phó trưởng ấp, ông đã đến không sót một hộ dân nào trong xóm để tìm hiểu về hoàn cảnh sống. Từ việc thấu hiểu, nên ông có cách tuyên truyền, vận động nhẹ nhàng, nhưng hiệu quả lại cao. Nhất là trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng hộ gia đình có cảnh quan đẹp. Những gia đình đã ý thức thì ông luôn nêu gương, kể về cách làm của hộ đó để mọi người cùng chia sẻ. Những hộ vẫn còn chần chừ, chưa tích cực thì ông thuyết phục. Mưa dầm thấu sâu, dần dần, ý thức của người dân nâng lên, từ đó chất lượng gia đình văn hóa cũng nâng theo. Giờ, ở đây, phong trào làm cảnh quan môi trường ngày càng sôi nổi, ngày càng có nhiều tuyến đường đẹp, hộ gia đình có cảnh quan đẹp. Môi trường sống đang thay đổi từng ngày theo hướng tích cực…

Hỏi ông bí quyết để tuyên truyền, vận động người dân mang lại hiệu quả, ông nói: “Mình muốn nói người ta nghe trước hết mình phải gương mẫu. Vì thế, ông luôn xây dựng và giữ gìn gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Môi trường sống xung quanh nhà cũng được từng thành viên trong gia đình dọn dẹp, trồng cây xanh làm hàng rào, tạo cho không gian sống thêm nhẹ nhàng, thoải mái”. Gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, từng nhiều lần nhận bằng khen của UBND tỉnh. Từ sự gương mẫu làm trước, nên tiếng nói của ông có “trọng lượng”.

Với ông, mang lại niềm vui và sự bình yên cho mọi người là niềm vui và hạnh phúc.

***

Đã ngoài 60, ông vẫn còn nhiệt thành với ĐCTT và phong trào ở địa phương để mang lại sự bình yên, an vui cho xóm ấp. Niềm vui và hạnh phúc bên gia đình và được thỏa niềm đam mê đã làm ông như trẻ hơn so với tuổi của mình…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>